- Chỉ nên lấy thế thôi. Để nó còn lo thuốc thang chữa cái chứng cấm
khẩu. Cái chính là từ nay nó sẽ biết điều hơn, bớt hống hách đi.
- Nhưng bác cũng nên biết rằng anh Hoàng Nhật Linh là nhà văn. Chị ấy
bị bệnh tim, mỗi ngày hàng chục nghìn tiền thuốc. Anh ấy rất nghèo.
- Tôi biết chứ. Nhưng đã là nhà văn thì phải nghèo. Trong hoàn cảnh đất
nước ta mà nhà văn lại giàu thì tôi không thể nào tin được.
Ông Ké quay về phía tôi, nối lại câu chuyện đang dở từ hôm trước:
- Tôi gặp ông Ký Sinh lần đầu ở ga Lao Kai. Tàu tôi sắp xuôi Hà Nội thì
thấy một thằng mật thám trèo lên tàu (cái thằng tôi đã kể với cậu lần trước
ấy). Hắn bảo “ông Ký Sinh đang đợi anh dưới ga”. Không hiểu vì sao khi
gặp ông Ký Sinh, tôi không chào theo cách con nhà võ mà lại chắp tay vái
ông ấy. Ông ấy cười nom rất hiền và đưa cho tôi một túi chàm căng phồng.
“Anh cho cô, chú nhân ngày cưới”. Chả là tôi sắp cưới vợ. Xuôi Hà Nội lần
này chúng tôi tổ chức. Cái túi của ông Ký Sinh cho tôi có bốn cân thuốc
phiện. Chỗ thuốc phiện ấy bán đi, đủ tổ chức hai cái đám cưới linh đình. À
quên, còn phải kể thêm về con chó của ông Ký Sinh nữa. Ông ấy luôn đi
cùng một thằng mật thám và một con chó. Nó là chó ta chứ không phải chó
tây. Nhưng mà hiếm, rất hiếm, huyền đề cả bốn chân, đen toàn thân nhưng
cái đầu lại vàng. Tên nó là Sác. Bố ông Ký Sinh là một điền chủ lớn. Ông
chủ này rất giàu và quý con Sác. Trong cơ ngơi của ông chủ, con Sác cũng
có một căn hộ riêng, gồm phòng ngủ, phòng ăn, buồng tắm, nhà vệ sinh (có
hố đái và toa lét tự hủy). Một đêm nọ có hai tên cướp đột nhập vào nhà, giết
vợ chồng ông điền chủ, cướp sạch vàng bạc và gô cổ ông Ký Sinh lại (lúc
này ông Ký Sinh mới mười lăm tuổi).
Bọn cướp quàng dây thừng vào cổ ông Ký Sinh, nói:
- Mày cũng chết luôn cho nhẹ nợ. Bố, mẹ chết, của cải hết, sống nữa làm
gì.
- Vâng – Ký Sinh bình thản đáp.
- Mày có xin gì không?