thế, các bà ngày xưa rất hay chửi chồng về tội nghiện hút mà vẫn cứ thích
mua cho chồng xài. Tôi nghe chúng nó kháo nhau rằng vô địch trong cái
cuộc thi kia là thằng Dô (cái thằng đã có lần tôi định giết ấy). Hắn đạt kỷ
lục 180 phút không kể thời gian “chép đề” – Ông cười đến rung cả xe.
Anh tài nheo mắt hỏi ông:
- Bây giờ, bác còn “phi” được nữa không?
- Của đáng tội. Vẫn.
- Nhưng không có thuốc phiện để tăng phông – Tôi nói.
- Cậu thật ngây thơ. Nếu cậu thích, tôi sẽ biếu cậu một ít.
- Ở đâu ra thế hở bác?
- Bạn bè tôi. Một đường dây lâu như ông Ký Sinh, không dễ chết đâu.
Đời vẫn cần thuốc phiện và đường dây kia vẫn hoạt động. Tất nhiên, không
ai dám buôn lớn như ông Ký Sinh nhưng lại nhiều người buôn. Góp lại số
thuốc phiện buôn về Hà Nội vẫn lớn.
Lại nói chuyện bọn mật thám. Ăn chơi như thế mà tháng nào chúng cũng
còn mua được đồ cổ gửi về Pari cho vợ con. Vì thế mà bọn Tây Đoan ghen,
“trâu buộc ghét trâu ăn”. Ông Ký Sinh bị bắt là vì thế.
Lần ấy, chúng tôi chuyển thuốc phiện bằng đường sông. Thuốc phiện
nén chặt trong các thùng sắt tây, hàn kín mít rồi buộc xuống dưới đáy các bè
gỗ. Tất cả là ba mươi thùng, mỗi thùng hai mươi cân. Về đến gần Hà Nội,
bọn Tây Đoan mới dám bắt chúng tôi. Chúng dùng ca nô đuổi theo, nhảy
lên bè lục soát. Ông Ký Sinh đánh chết sáu thằng Tây Đoan và cho chặt
dây, thả tất cả thuốc phiện xuống sông Hồng. Về đến Phà Đen thì tất cả
chúng tôi bị bắt. Ông Ký Sinh bị bắn chết ở Quần Ngựa. Tôi lĩnh án tù
chung thân. Nhưng tôi cũng chỉ phải ngồi tù có ba năm thôi. Năm bốn lăm,
cách mạng tháng Tám thành công, tôi thoát tù.
Tôi ra tù, bơ vơ một mình, vợ tôi đã phản bội tôi, bán sạch cơ nghiệp,
chạy sang Pari cùng với hai thằng con trai của tôi. Nhiều đêm lang thang
trên đường phố, tôi chán sống kinh khủng, chỉ muốn chết.