kim giây? Mà nó chỉ cần đến khoái cảm hay đau đớn nhỏ nhất để dạy ta về
tính dẻo của thời gian thôi. Có những thứ cảm xúc đẩy nó nhanh lên, lại có
những cảm xúc khác kìm nó chậm lại: cũng có lúc dường như nó biến mất -
cho tới điểm tận cùng khi nó thực sự mất tích, không bao giờ trở lại. Tôi
không thích thú thời đi học của mình là mấy, và cũng chẳng thấy nhớ
nhung gì. Nhưng trường là nơi mọi chuyện bắt đầu, nên tôi cần trở lại một
chút vài sự việc đã trở thành giai thoại, trở lại với vài ký ức nhập nhòe đã bị
thời gian bóp méo thành điều xác tín. Nếu không còn chắc chắn về các sự
kiện thực được nữa, thì ít ra tôi có thể thành thực với những cảm tưởng mà
các sự kiện đó bỏ lại. Tôi chỉ có thể làm được đến thế là cùng.
*
* *
Chúng tôi có ba thằng, và giờ có thêm cậu ấy là đứa thứ tư. Tụi tôi
chẳng kỳ vọng thêm thắt ai vào con số chặt chẽ này: hội nhóm với cặp đôi
là chuyện xưa rồi, và cũng đã đến lúc chúng tôi bắt đầu mơ tưởng tới việc
thoát khỏi trường bước vào đời. Tên cậu ấy là Adrian Finn, một cậu trai
cao, bẽn lẽn, lúc đầu thường nhìn xuống và khư khư giữ lấy suy tư cho
riêng mình. Một hai ngày đầu, chúng tôi ít chú ý đến cậu: ở trường chúng
tôi đến lễ đón học sinh mới còn không có, nữa là cái chuyện ngược lại, trò
dọa nạt phủ đầu của học sinh cũ. Chúng tôi chỉ ghi nhận sự hiện diện của
cậu ấy và đợi.
Mức độ quan tâm của các thầy dành cho cậu ấy lớn hơn của chúng tôi.
Họ phải xem xét trí thông minh và ý thức kỷ luật của cậu ấy, liệu xem trước
kia cậu ấy đã được dạy dỗ tốt đến mức nào, xem cậu ấy có thể hiện “tố chất
học thuật” hay không. Vào buổi sáng thứ ba kỳ học mùa thu năm ấy, chúng
tôi có giờ lịch sử với thầy Joe Hunt Già nhã nhặn nhưng giễu cợt trong bộ
com lê đầy đủ lệ bộ, một ông thầy có hệ thống kiểm soát dựa vào việc giữ
sao cho sự buồn tẻ chỉ ở mức vừa đủ chứ không đến độ quá đà.