những ô cửa sổ bắt đầu tối sẫm trong ánh hoàng hôn, không hiểu vì sao cười
khẩy với vẻ bao dung, mắt nheo nheo, hai tay đặt lên chiếc can, cằm kê lên
tay.
“Ivan này”, Berlioz nói, “anh mô tả rất hay và đầy hài hước, lấy thí dụ,
đoạn nói về sự sinh ra của Giesu, con Ðức Chúa Trời. Nhưng cái mấu chốt
là ở chỗ trước Chúa Giesu đã sinh ra hàng loạt những Ðức Chúa Con khác,
chẳng hạn như thần Attit của người Phrighia
. Tóm lại, chẳng một ai trong
số họ đã được sinh ra cả, không hề có họ tồn tại, kể cả Giesu, cho nên thay
vào sự ra đời của Chúa hoặc sự xuất hiện của các thầy pháp,
anh cần phải
mô tả những tin đồn ngớ ngẩn về những chuyện đó… Nếu không, theo câu
chuyện của anh, thì Giesu quả đã được sinh ra thật!…”
Bấy giờ Bezdomnưi đang nín thở để cố gắng chấm dứt những tiếng nấc
cụt, nhưng vì thế mà anh càng nấc lên một cách khó chịu và to hơn; và cũng
vào lúc đó Berlioz ngừng lời, vì người khách nước ngoài bỗng đứng lên và
đi lại phía họ.
Hai nhà văn ngạc nhiên nhìn ông ta.
“Xin các ngài thứ lỗi cho tôi”, người khách nói giọng nước ngoài lơ lớ
nhưng phát âm không sai, “vì rằng tôi, trong khi chưa quen biết, đã dám mạo
muội… nhưng đề tài câu chuyện bác học của các ngài thú vị đến nỗi…”
Nói đến đó, ông ta lịch thiệp bỏ chiếc mũ bêrê ra khỏi đầu, và hai người
bạn của chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc đứng dậy nghiêng
mình đáp lễ.
“Không, ông ta là người Pháp thì đúng hơn”, Berlioz nghĩ thầm.
“Có lẽ người Ba Lan?…” Bezdomnưi thầm nghĩ.
Cần phải nói thêm rằng, ngay từ những lời đầu tiên, người khách nước
ngoài đã gây cho nhà thơ một ấn tượng khó chịu; còn Berlioz thì lại thích,
hay nói đúng hơn, không hẳn là thích, mà… biết diễn đạt thế nào nhỉ… có
thể nói là tò mò.
“Cho phép tôi cùng ngồi với các ngài chứ ạ?” người nước ngoài lễ phép
hỏi, và hai nhà văn, không hiểu sao, bất giác dịch ra hai bên; ông khách khéo