bằng cứ trên, rồi sau đó, như để chế nhạo chính bản thân, lại tự mình lập nên
bằng cứ thứ sáu!”
“Bằng cứ của Kant”, viên Tổng biên tập thông thái mỉm cười đáp”,
cũng không có sức thuyết phục. Và chẳng phải vô cớ mà Schiler
nói rằng
những lập luận của Kant về vấn đề này chỉ có thể thỏa mãn những kẻ nô lệ,
còn Strauss
thì cười nhạo cái bằng cứ đó.”
Berlioz vừa nói vừa tự hỏi thầm: “Nhưng ông ta là ai nhỉ? Và tại sao
ông ta lại nói tiếng Nga thạo đến thế?”
“Cái lão Kant này, vì những bằng cứ như vậy, đáng phải cho ba năm ở
Solovki.”
Ivan Nikolaievich nổ ra hoàn toàn bất ngờ.
“Ivan!” Berlioz bối rối nói khẽ.
Nhưng cái đề nghị bắt Kant đi Solovki không những không làm người
khách nước ngoài ngạc nhiên, mà thậm chí còn làm cho ông ta thích thú.
“Ðúng thế, đúng thế!” Ông ta hét to, và con mắt trái màu xanh lục
hướng về phía Berlioz sáng lên lấp lánh. “Cho ông ta đến đấy là đúng lắm.
Lần đó trong bữa ăn sáng tôi đã nói với ông ta rồi: “Thưa giáo sư, quyền là
của ngài, nhưng điều ngài nghĩ ra không được ổn lắm. Nó có thể là rất thông
minh, nhưng khó hiểu quá. Rồi người ta sẽ cười nhạo ngài cho mà coi”.
Berlioz trố mắt. “Nói với Kant… trong bữa ăn sáng?… Ông ta nói
nhảm cái gì thế nhỉ?”, ông nghĩ.
“Nhưng có điều”, không hề bối rối trước vẻ kinh ngạc của Berlioz,
người khách nước ngoài vẫn tiếp tục nói với nhà thơ, “không thể nào bắt
ông ta đến Solovki được là vì hơn một trăm năm nay ông ta đã đến ở những
chỗ còn xa hơn Solovki rất nhiều, và xin cam đoan với các ngài rằng không
có cách nào có thể lôi ông ta ra khỏi chỗ đó được!”
“Ồ, thật đáng tiếc!” nhà thơ hay gây sự đáp.
“Và tôi cũng lấy làm tiếc!” Một con mắt của người khách lạ lấp lánh
sáng lên, ông ta nói, rồi lại tiếp: “Nhưng có một vấn đề làm tôi băn khoăn: