chăng nếu ta nghĩ rằng có một kẻ nào đó hoàn toàn khác điều hành anh ta?”
và người lạ mặt phá lên cười bằng một giọng rất lạ lùng.
Berlioz hết sức chăm chú nghe câu chuyện khó chịu về bệnh xáckôm
và tàu điện, và ông bắt đầu bị những ý nghĩ lo sợ ám ảnh. “Ông ta không
phải người nước ngoài! Không phải người nước ngoài!” ông nghĩ. “Một đối
tượng đáng ngờ… nhưng đúng ra ông ta là ai?”
“Tôi thấy hình như ngài muốn hút thuốc?” người lạ mặt bỗng đột ngột
hỏi Bezdomnưi. “Ngài thích loại nào?”
“Chẳng lẽ ngài có nhiều loại thuốc khác nhau à?” Nhà thơ cau có nói,
anh đã hết mất thuốc lá.
“Ngài thích loại nào? “người lạ mặt nhắc lại câu hỏi.
“Nhãn hiệu chúng ta”
, nhà thơ cáu kỉnh đáp.
Người lạ mặt lập tức lôi từ trong túi ra một hộp thuốc lá và mời
Bezdomnưi:
“Có ngay ‘Nhãn hiệu chúng ta’.”
Cả Tổng biên tập lẫn nhà thơ đều sửng sốt không chỉ vì xếp trong hộp
thuốc đúng là những điếu “Nhãn hiệu chúng ta”, mà còn bởi chính chiếc
hộp. Nó rất đồ sộ, làm bằng vàng mười, khi mở trên nắp của nó một hình
tam giác dát kim cương lấp lánh bắn ra những tia lửa xanh và trắng.
Trong lúc đó, hai nhà văn có những suy nghĩ khác nhau. Berlioz nghĩ:
“Không, ông ta là người nước ngoài!” Còn Bezdomnưi lại nghĩ: “Chà, quỷ
tha ma bắt hắn đi!”
Nhà thơ và chủ chiếc hộp thuốc lá châm lửa hút, còn ông Tổng biên tập
Berlioz không nghiện thì từ chối.
“Cần phản đối lại ông ta như sau”, Berlioz nhẩm tính. “Ðúng là con
người phải chết, không ai tranh cãi để phủ nhận điều đó. Nhưng vấn đề là ở
chỗ…”
Nhưng ông chưa kịp nói ra những lời trên, thì ông khách nước ngoài đã
cất tiếng trước: