“Tất nhiên, tất nhiên”, Koroviev ngắt ngang lời, bỏ khăn mùi soa ra
khỏi mặt. “Chỉ vừa nhìn thấy ông, tôi đã đoán ngay ra đấy là ông” Nói rồi gã
run người lên nức nở và bắt đầu than thở: “Ôi đau khổ quá! Mà tại sao lại
như thế kia chứ, ôi!”
“Bị xe điện nghiến à?” Poplavski thì thào hỏi.
“Hoàn toàn”, Koroviev hét lên, và những giọt nước mắt từ dưới chiếc
kính của gã chảy ròng ròng, “hoàn toàn! Tôi đã tận mắt chứng kiến. Ông có
tin được không – hấp! Ðầu văng ra một nơi. Chân phải – rắc, cắt làm đôi.
Chân trái – rắc, cắt làm đôi. Những chiếc tàu điện đã đưa đến nông nỗi ấy
đấy!” Và có lẽ không nén nổi mình, Koroviev chọc mũi vào bức tường cạnh
tấm gương và cả người co giật trong cơn nức nở.
Ông dượng của Berlioz thật sự kinh ngạc trước thái độ của người lạ.
“Thế mà người ta nói rằng vào thời đại của chúng ta không còn những người
có tình cảm!” – ông ta nghĩ thầm và cảm thấy mắt của mình cũng bắt đầu
cay cay. Nhưng cũng cùng lúc đó một đám mây đen khó chịu kéo đến bao
trùm lấy tâm hồn ông ta, và một ý nghĩ như con rắn cứ len lỏi vào trong đầu:
hay là cái con người tình cảm này đã đăng ký hộ khẩu vào căn hộ của người
quá cố rồi, bởi vì trong thực tế đã xảy ra những trường hợp tương tự.
“Xin lỗi, anh là bạn của Mikhail nhà tôi à?” ông ta hỏi, dùng ống tay áo
lau con mắt bên trái ráo hoảnh, còn con mắt phải chăm chú nghiên cứu
Koroviev đang trong cơn xúc động đau thương.
Nhưng gã cứ nức nở đến mức người nghe không thể hiểu gì được ngoài
mấy từ nhắc đi nhắc lại “rắc – và cắt làm đôi!” Nức nở đã thỏa thuê,
Koroviev cuối cùng cũng tách mặt ra khỏi bức tường và thốt lên:
“Không, không thể chịu được nữa! Tôi phải đi uống ba trăm giọt ête an
thần đây!” Và quay bộ mặt đầm đìa nước mắt về phía Poplavski, gã nói
thêm: “Vậy đó, tàu điện là thế đấy!”
“Tôi xin lỗi, có phải anh gửi điện cho tôi không?”
Maksimilian Andreevich hỏi, dằn vặt bởi ý nghĩ: cái tay mau nước mắt
lạ lùng này là ai nhỉ?