nước hoa và nói rằng nàng yêu cầu cô có mỗi một điều, là không đi chỉ có
bít tất chạy ngoài phố Tverskaia và không nghe Daria phịa chuyện. Sau khi
hôn nhau, cô chủ và người làm công chia tay.
Ngồi ngả lưng trên chiếc ghế tựa mềm êm ái trong xe buýt chạy điện,
Margarita Nikolaevna đi dọc theo phố Arbat, khi thì đắm chìm trong các suy
nghĩ của mình, khi thì lắng tai nghe những tiếng thì thầm của hai người đàn
ông ngồi ở ghế phía trước nàng.
Còn hai người đàn ông nọ, thỉnh thoảng lại lo lắng nhìn quanh xem có
ai chú ý nghe họ không, đang thì thầm về một chuyện vớ vẩn nào đó. Một
người to con, béo tốt, với đôi mắt lợn hoạt bát, ngồi cạnh cửa sổ nói khẽ với
người nhỏ bé ngồi bên cạnh rằng cuối cùng cũng phải lấy vải đen phủ quan
tài lại.
“Nhưng không thể như thế được, – kinh ngạc, người đàn ông nhỏ bé thì
thào thốt lên, – đó là chuyện chưa từng có… Thế Gieldưbin làm gì?”
Trong tiếng máy đều đều của cỗ xe buýt chạy điện, Margarita
Nikolaevna nghe bập bõm những lời vang lên từ cửa sổ:
“Cơ quan hình sự… bê bối… hừ, đúng là quái đản!”
Từ những mẩu rời rạc đó Margarita Nikolaevna cũng gắn kết lại thành
một câu chuyện ít nhiều có đầu có đuôi. Hai người đàn ông thì thầm với
nhau rằng sáng hôm nay có một người quá cố nào đó – người nào thì họ
không nói tên – bị đánh cắp mất đầu! Và chính vì điều đó mà cái tay
Gieldưbin nọ bây giờ đang sốt vó lên. Và hai người đàn ông đang thì thầm
nói chuyện với nhau trong xe buýt chạy điện này cũng có ít nhiều quan hệ
nào đó với người quá cố bị đánh cắp mất đầu.
“Chúng ta có kịp rẽ vào mua hoa không? – người đàn ông nhỏ thó lo
lắng hỏi. – Anh bảo hỏa táng vào hai giờ chiều à?”
Cuối cùng thì Margarita Nikolaevna cũng đã chán ngấy việc nghe
những lời thì thầm về chiếc đầu bị đánh cắp khỏi quan tài, và nàng mừng vì
đã đến lúc xuống xe.