Trong lúc đó đoàn người đưa tang dừng lại, có lẽ là phía trước gặp đèn
đỏ vừa bật lên.
“Ðúng thế, – người đàn ông lạ mặt nói tiếp, – tâm trạng của họ thật lạ
lùng. Chở người quá cố đi, mà chỉ nghĩ về một điều: không biết cái đầu của
ông ta biến đâu mất?”
“Cái đầu nào?” – Margarita hỏi và nhìn kỹ vào kẻ bắt chuyện bất ngờ.
Ðó là một người thấp nhỏ, tóc hung màu lửa, với một chiếc răng nanh, áo
sơmi trong hồ cứng, bộ vét ngoài bằng vải tốt kẻ sọc, giày đánh vécni và đầu
đội mũ bê rê. Cà vạt màu sặc sỡ. Ðiều đáng ngạc nhiên là từ túi áo anh ta,
nơi cánh đàn ông thường bỏ khăn mùi soa hoặc bút máy, lại thòi ra một mẩu
xương gà đã gặm.
“Vâng, chị biết không, – người đàn ông tóc hung giải thích, – sáng hôm
nay, ở hội trường nhà Griboedov chiếc đầu của người quá cố bị đánh cắp
mất!”
“Tại sao lại như thế được?” – Margarita bất giác thốt lên hỏi, đồng thời
nhớ lại câu chuyện thì thầm nàng nghe được lúc nãy ở trên xe ô tô buýt chạy
điện.
“Có quỷ biết tại sao! – người đàn ông tóc hung suồng sã đáp. – Riêng
tôi, tôi nghĩ rằng về điều này thì nên hỏi Beghemot. Cái đầu bị cuỗm đi một
cách thật khéo léo, khéo léo đến khủng khiếp. Một vụ bê bối ra trò! Và cái
chính là không hiểu ai cần cái đầu ấy để làm gì!”
“Xin lỗi, – nàng bỗng kêu lên, – anh nói Berlioz nào? Có phải người
hôm nay trong các báo…”
“Chứ còn sao nữa, còn sao nữa…”
“Thế có nghĩa theo sau quan tài là các nhà văn?” – Margarita hỏi và
bỗng nghiến răng lại.
“Hiển nhiên là họ rồi.”
“Thế anh có biết mặt họ không?”
“Tất tần tật không sót một ai”, – người đàn ông tóc hung đáp.