nổi bật lên phía trên màu cây xanh đó, anh trông thấy những kenturia La Mã
mặc giáp đồng đi lại dưới chân tường của ngôi thành cổ.
Trong cơn mơ màng, trước mặt Ivan hiện lên một người ngồi bất động
trong ghế bành, râu cạo nhẵn, với khuôn mặt màu vàng bị giày vò; ông ta
mặc chiếc áo choàng trắng với lần vải lót trong đỏ như máu, ngồi nhìn
xuống khu vườn xanh tốt và xa lạ với vẻ thù ghét. Ivan còn trông thấy ngọn
đồi trọc màu vàng, những cây cột có thanh xà ngang bỏ không.
Còn những chuyện xảy ra ở công viên Hồ Pat’riarsi giờ không làm cho
nhà thơ Ivan Bezdomnưi quan tâm nữa.
“Ivan Nikolaievich, khi ông Berlioz ngã xuống dưới tàu điện, anh đứng
có xa chiếc cửa quay không?”
Một nét cười mỉm hờ hững thoáng qua không hiểu sao nhợt hiện lên
trên môi Ivan, và anh đáp lại:
“Tôi ở xa.”
“Thế còn cái tay mặc áo kẻ ô thì ở cạnh cửa quay à?”
“Không, anh ta ngồi trên ghế băng cách đấy một quãng.”
“Anh nhớ rõ là người mặc áo kẻ ô không đi đến bên cửa quay khi ông
Berlioz ngã chứ?”
“Tôi nhớ. Anh ta không đi đến đấy. Anh ta ngồi doãi người trên ghế.”
Ðó là những câu hỏi cuối cùng của viên dự thẩm. Hỏi xong, anh ta
đứng dậy, chìa tay cho Ivan, chúc anh nhanh chóng bình phục và tỏ ý hy
vọng rằng sắp tới sẽ lại được đọc thơ anh.
“Không, – Ivan trả lời khe khẽ, – tôi sẽ không làm thơ nữa.”
Viên dự thẩm mỉm cười một cách lịch sự, bày tỏ sự tin tưởng rằng hiện
nay nhà thơ đang ở trong tình trạng tâm thần ít nhiều bất yên, nhưng điều đó
sẽ nhanh chóng qua khỏi.
“Không, – Ivan đáp, không nhìn viên dự thẩm, mà nhìn ra xa, về phía
chân trời đang dần tắt nắng. – Cái đó sẽ không bao giờ qua khỏi. Những bài
thơ tôi đã viết là thơ tồi, bây giờ thì tôi đã hiểu ra điều đó.”