người. Nhưng không phải ở tất cả, không phải ở tất cả mọi người.
Hàng năm, mỗi khi đến đêm hội rằm mùa xuân, lúc gần tối dưới hàng
cây lipa trên bờ Hồ Pat’riarsi lại xuất hiện một người đàn ông khoảng ba
chục tuổi hay hơn một tí, tóc hơi hung, mắt hơi xanh, ăn mặc giản dị. Ðó là
cộng tác viên khoan học của Viện nghiên cứu Lịch sử và Triết học, giáo sư
Ivan Nikolaievich Ponưrev.
Mỗi lần đi đến dưới hàng cây lipa, anh bao giờ cũng ngồi xuống đúng
chiếc ghế băng mà anh đã ngồi vào cái buổi chiều nọ, khi nhà văn Berlioz từ
lâu đã bị tất cả mọi người lãng quên vào lần cuối cùng trong đời mình nhìn
thấy mặt trăng vỡ văng ra thành từng mảnh vụn.
Bây giờ mặt trăng tròn nguyên vẹn, lúc trời bắt đầu tối có màu trắng
bạc, sau chuyển sang màu vàng, với hình đầu rồng đen thẫm ở bên trong,
đang trôi trên đầu cựu thi sĩ Ivan Nikolaievich, và đồng thời nó vẫn đứng
nguyên một chỗ ở trên độ cao của mình.
Ivan Nikolaievich biết hết và hiểu hết tất cả mọi chuyện. Anh biết rằng
thời trẻ, anh đã từng là nạn nhân của những nhà thôi miên tội lỗi, sau đó
được điều trị và đã khỏi. Nhưng đồng thời anh cũng biết rằng, trong một số
trường hợp anh vẫn chưa chế ngự được. Anh không thể chế ngự được cái
đêm trăng rằm mùa xuân này. Cứ mỗi lần đêm rằm sắp đến gần, cứ mỗi lần
cái khối nguyệt cầu mà vào đêm xưa ấy treo cao hơn chùm đèn sao năm
cánh bắt đầu nở tròn và trở nên vàng óng, Ivan Nikolaievich lại cảm thấy bất
an, bồn chồn, kém ăn kém ngủ, khắc khoải chờ đợi cho đến khi trăng tròn
hẳn. Và khi đêm rằm đến, thì không có gì có thể kìm giữ Ivan Nikolaievich
ở nhà. Gần tối, anh ra đường và đi đến công viên Hồ Pat’riarsi.
Ngồi trên chiếc ghế dài, Ivan Nikolaievich giờ đây nói chuyện với
chính mình không còn giấu giếm, hút thuốc, nheo mắt nhìn khi thì lên vành
trăng tròn, khi thì lên chiếc cửa quay mà anh còn nhớ rất rõ.
Ivan Nikolaievich ngồi như vậy một hay hai giờ. Rồi anh đứng dậy, bao
giờ cũng đi theo một lộ trình, qua Spiridonovka đến các ngõ nhỏ của khu
Arbat, với cặp mắt trống rỗng và không trông thấy gì.