Nhưng những sự mô tả như thế dẫn đến hậu quả là tác giả của chúng ở
Liên Xô, cùng với các nhân vật của mình, bị gán cho – bất chấp những cố
gắng to lớn đứng trên cả phe Đỏ lẫn phe Trắng một cách vô tư – cái danh
hiệu bạch vệ thù địch, và với danh hiệu đó thì, như ai cũng hiểu, có thể coi
mình là kẻ bỏ đi ở Liên Xô.
6. Chân dung văn học của tôi đã hoàn tất, và đó cũng là chân dung
chính trị. Tôi không thể nói có thể tìm thấy ở đó một tội phạm nặng đến mức
nào, nhưng tôi xin đề nghị một điều: không đi tìm một cái gì ở ngoài chân
dung đó. Nó được dựng lên hoàn toàn trung thực.
7. Hiện nay tôi đã bị hủy diệt.
Sự hủy diệt đó được dư luận xã hội Xô Viết đón nhận hết sức vui mừng
và được gọi là thành tựu.
R. Pikel, khi nói về sự hủy diệt đó (báo “Tin tức”, ngày 15 tháng 9 năm
1929), đã phát biểu một ý tưởng đầy bao dung như sau:
“Bằng điều đó chúng ta không muốn nói rằng tên của Bulgakov đã
bị gạch khỏi danh sách các nhà viết kịch Xô Viết”.
Và an ủi nhà văn bị cắt cổ rằng đây là “chỉ nói về những tác phẩm kịch
quá khứ của anh ta”.
Nhưng cuộc sống, mà đại diện là ủy ban biểu diễn, đã chứng minh rằng
sự bao dung của R. Pikel là không có cơ sở nào cả.
Ngày 18 tháng 3 năm 1930, tôi nhận được công văn của ủy ban biểu
diễn thông báo một cách ngắn gọn rằng kịch bản “Sự nô dịch của những kẻ
đạo đức giả” (“Molier”), một vở kịch không phải quá khứ mà là mới viết của
tôi, không được phép trình diễn.
Nói tóm lại, bằng hai dòng chữ của tờ công văn đã chôn vùi công sức
làm việc ở các kho sách, trí tưởng tượng của tôi, kịch bản được các chuyên
gia sân khấu hàng đầu đánh giá là một tác phẩm xuất sắc.