mình để quan hệ với các phụ nữ, không hề làm gì và không thể làm được gì
cả, bởi vì chẳng biết gì về công việc được giao phó, v.v.
Không thể kể ra đây tất cả các chi tiết phủ nhận quan niệm của Iesua
Ha-Notxri về bản chất đạo đức của con người và khẳng định lí lẽ của kẻ
phản diện chính của ông là Voland.
Bức tranh nhiều màu sắc và đầy thuyết phục của cuộc sống Moskva gợi
nhớ và thậm chí lặp lại tất cả những gì trước đó 500, 1000, 2000 năm, có cả
một ý nghĩa khác rất cấp thiết và mang màu sắc triết lí: các nhà lí thuyết xã
hội chủ nghĩa cho rằng việc thiết lập các quan hệ xã hội chủ nghĩa sẽ dẫn tới
sự thay đổi tận gốc rễ trong chính bản chất đạo đức cũng như trí tuệ của con
người. “Hãy thay đổi xã hội – và các căn bệnh sẽ không còn”, – Bazarov của
Turghenev nói vậy với hàm ý về các căn bệnh đạo đức. Và Voland đến
Moskva là để chính mắt mình kiểm tra các dự đoán xã hội đó mà tương lai
toàn nhân loại phụ thuộc vào tính chân lý của nó. “Tôi xin tiết lộ với ông
một bí mật, – Satan nói với viên chủ nhiệm nhà ăn, người nghĩ rằng đang
gặp một nhà ảo thuật, – tôi hoàn toàn không phải là nghệ sĩ mà đơn giản là
tôi chỉ muốn quan sát những người dân Moskva tập hợp lại với nhau trong
một đám đông. Ðể làm điều đó, tiện lợi nhất là trong nhà hát:.. Tôi chỉ ngồi
và nhìn những người dân Moskva mà thôi”. Satan muốn kiểm tra xem “dân
Moskva” có thay đổi “đáng kể” gì không, mà tất nhiên ông ta quan tâm tới
“ô tô buýt, điện thoại và các… máy móc khác! – gã mặc áo kẻ ô mách.
Nhưng còn có một vấn đề khác quan trọng hơn: họ, những người dân thành
phố này, có thay đổi bên trong không?”
Kết luận của Voland đã rõ: “… họ vẫn chỉ là người thôi mà. Họ
thích tiền, điều đó thì bao giờ vẫn vậy. Loài người thích tiền, dù cho
tiền được làm bằng gì đi nữa – bằng da, bằng giấy, bằng đồng hay bằng
vàng. Ừ, thì họ nông nổi… Nhưng… đôi khi lòng từ tâm cũng nổi lên
trong lòng họ… những con người bình thường… nói chung, cũng giống
như những người trước kia… Chỉ có vấn đề nhà cửa làm cho họ hư
hỏng…”