theo nhau nhổm dậy nhìn, và họ thấy rằng đi về phía tiệm ăn cùng với đốm
lửa nhỏ kia là một bóng ma nhờ nhờ trắng. Khi nó tiến đến tận dàn cây leo,
tất cả mọi người đã như hóa đá sau bàn với những miếng cá tầm xóc trên dĩa
cầm trong tay, mắt trố ra nhìn kinh ngạc. Người gác cửa, đúng lúc đó vừa từ
phía sau cánh cửa phòng gửi áo ngoài của tiệm ăn bước ra sân để hút thuốc,
vội giẫm tắt điếu thuốc và tiến lại phía bóng ma với mục đích rõ ràng là
chặn ngang đường vào tiệm ăn, nhưng không hiểu sao cuối cùng ông ta đã
không làm việc đó mà dừng lại, trên môi nở một nụ cười ngớ ngẩn.
Và bóng ma, đi qua dàn cây leo, bước lên hiên, không bị ai ngăn trở.
Ðến lúc này mọi người mới nhận thấy rằng đó hoàn toàn không phải là bóng
ma nào cả, mà đích thị nhà thơ nổi tiếng nhất Ivan Nikolaievich Bezdomnưi.
Nhà thơ đi chân đất, mặc chiếc áo khoác bạc trắng rách bươm, trên
ngực áo găm lủng lẳng bằng kim băng bức ảnh in hình một vị thánh nào đó
không ai biết đã mờ nét, và nửa dưới người là chiếc quần lót dài kẻ sọc cũng
màu trắng. Trong tay Ivan Nikolaievich cầm một ngọn nến thường dùng
trong các buổi lễ cưới đã thắp lên. Trên má phải của anh có một vết xước
còn mới. Thật khó có thể đo được chiều sâu của sự im lặng bao trùm trên
hàng hiên tiệm ăn. Nghe rõ cả tiếng bia chảy xuống sàn từ chiếc cốc vại cầm
nghiêng trong tay một người phục vụ nào đó.
Nhà thơ giơ ngọn nến lên quá đầu, nói to:
“Chào các bạn!” nói rồi anh cúi nhìn xuống bên dưới chiếc bàn gần
nhất và buồn bã thốt lên: “Không, hắn không có ở đây.”
Trong phòng vang lên hai giọng nói, giọng thứ nhất rất trầm, buông ra
một cách tàn nhẫn:
“Rõ rồi, cơn sốt trắng”.
Còn giọng thứ hai, của phụ nữ, hoảng hốt:
“Làm sao công an lại để cho anh ta đi ngoài phố trong bộ dạng như thế
này nhỉ?”
Ivan Nikolaievich nghe thấy câu nói đó và đáp: