ĐỪNG “CỐ BÁN BẰNG MỌI GIÁ”
Tâm lý “cố bán bằng mọi giá” thường gặp ở những người bán hàng có đạo
đức nghề nghiệp “đáng ngờ” hoặc những người chỉ quan tâm đến lợi ích
trước mắt chứ không hướng đến việc xây dựng một sự nghiệp bán hàng lâu
dài.
Vào năm 1974, tôi đã thực hiện được một trong ba mơ ước của mình là có
một văn phòng thật đẹp tại nhà dành riêng cho việc nghiên cứu và viết sách.
Và tôi cũng muốn có được một chiếc ghế sofa làm bằng da thật. Khi còn là
một cậu bé sống ở thành phố Yazoo, Mississippi, tôi đã có những kỷ niệm
đáng nhớ về những cuộc “viếng thăm” phòng khám răng của nha sĩ C. L.
Wallace. Trong tiền sảnh của tòa nhà có một chiếc ghế sofa cũ bằng da. Tôi
vẫn nhớ là mình đã ngồi lên chiếc ghế đó, cọ cọ tay áo vào lớp bọc da và
lắng nghe những âm thanh sột soạt phát ra. Quả thực trước đó tôi chưa hề
nghe thấy âm thanh nào giống tiếng cọ vào đồ “da thật” như thế và tôi luôn
mong muốn được nghe tiếng sột soạt như thế trong văn phòng của mình.
Khi tôi và Tóc Đỏ vào một cửa hàng lớn có nhiều mẫu mã mới lạ trong thị
trấn, tôi nói với nhân viên bán hàng về mong muốn của mình và anh ta dẫn
tôi đến gian trưng bày ghế sofa. Khi vừa nhìn thấy chiếc ghế da đầu tiên, tôi
không khỏi vui mừng và hỏi ngay giá bán. Tôi thật sự “sốc” vì mừng bởi
giá của nó chỉ bằng một nửa số tiền tôi dự tính. Khi tôi bộc lộ sự ngạc nhiên
của mình và không hiểu vì sao một chiếc ghế da thật lại được bán với giá
đó, người bán hàng cam đoan với tôi rằng đó là một trong những lý do giúp
họ bán được rất nhiều ghế sofa này.
Tôi ngồi xuống và dựa lưng ghế, một cảm giác thật dễ chịu và khi tôi cọ tay
áo vào ghế, những âm thanh phát ra đúng như những gì tôi từng nghe thấy
khi xưa. Tôi đi đi lại lại quanh chiếc ghế chiêm ngưỡng nó. Nó thật là đẹp
và thêm một lần nữa tôi thể hiện sự vui mừng khi tìm được một chiếc ghế
sofa da với mức giá phải chăng đến vậy. Người bán hàng cũng đồng tình