CÂU TÀI TỬ: Chỉ người đi câu không chuyên nghiệp, đi câu với mục đích
giải trí là chính, nên “thành quả” ra sao đối với họ không thành vấn đề.
CÂU THƯỢT: Xem câu nhắp.
CỤC CHÌ: Câu cá theo kiểu nào cũng cần có cục chì. Công dụng của cục
chì là trì kéo cục mồi chìm xuống nước với khoảng cách sâu cạn bao nhiêu
là tùy ý muốn của người câu. Câu cá mà không có cục chì thì cục mồi sẽ
không ở yên một chỗ. Chì có nhiều kích cỡ; câu cá nhỏ dùng chì nhỏ, câu cá
lớn có thể dùng chì một vài trăm gram. Chỉ câu cá sặt, cá lòng tong và câu
cắm là không dùng đến cục chì.
DÈ DẶT: Đó là bản tính của đa số loài cá, dù tham mồi, háu ân, nhưng khi
gặp mồi chúng vẫn dè dặt, chưa ăn vội.
DÍNH CÂU: Cá bị mắc vào lưỡi câu.
DỌN LUỒNG: Là hành động lội xuống ruộng sâu, đìa rộng để tém dẹp
rong cỏ thành một đường trống trải mà người câu dự định sẽ rê mồi trên đó
để câu cá lóc, cá lóc bông mà lưỡi câu không bị vướng mắc gì. Công việc
dọn luồng phải thực hiện trước khi câu vài ba ngày, vì còn phải chờ bùn lắng
xuống hết cho nước trong trở lại, như vậy cá mới chịu ăn mồi. Luồng người
nào bỏ công sức ra dọn thì chỉ người ấy được trọn quyền sử dụng.
ĐA NGHI: Bản tính của cá thường nhát, và từ quá nhát mới sinh tính đa
nghi. Thấy mồi câu ngon lành, dù đang đói muốn ăn, nhưng chúng không ăn
vội.
ĐỚP BẠO: Gặp mồi là đớp liền, do cá đói quá lâu ngày.
ĐƯỜNG CÂU: Câu rê trên đường câu đã dọn sẵn trước đó.
GHIM: Lưỡi câu móc vào mép hay miệng cá khiến cá dính câu.