CHƯƠNG IX
LÀM THẾ NÀO ĐỂ KẾT THÚC MỘT BÀI NÓI
Bạn có biết những phần nào trong bài trình bày của mình sẽ thể hiện rõ
nhất mức độ thiếu kinh nghiệm hay thành thạo, mức độ không thích hợp
hay là khéo léo của bạn không? Đó chính là phần mở đầu và phần kết thúc.
Ngày trước có một câu nói nổi tiếng trong các nhà hát nói về các diễn viên
như sau: “Bạn sẽ biết họ thông qua những lối đi vào và lối đi ra”.
Chuẩn bị phần mở đầu và phần kết thúc thật hay là việc khó khăn nhất
đòi hỏi phải có khả năng xử lý thật khéo. Chẳng hạn như các bạn có thể
nhìn thấy ở các nơi tổ chức các sự kiện nào đó bao giờ cũng có lối đi vào và
đi ra được trang trí cẩn thận và đẹp đẽ. Trong các cuộc phỏng vấn xin việc,
chẳng phải nhiệm vụ quan trọng nhất là có lời mở đầu hay tạo tiền đề cho
những lời tiếp theo và có câu kết thành công hay sao?
Phần kết luận luôn luôn đóng vai trò quan trọng trong mỗi bài thuyết
trình. Những lời sau cùng bạn nói ra sẽ ngân nga mãi trong lòng người nghe
ngay cả khi bạn đã trình bày xong bài nói của mình. Chính những câu sau
cùng ấy lại luôn đuợc người nghe nhớ lâu nhất. Phần kết luận bao giờ cũng
được mọi người mong chờ như một lời cuối để lại ấn tượng cho người
nghe. Tuy nhiên, những người mới tham gia công việc thuyết trình lại
thường xem nhẹ tầm quan trọng của điều tưởng như ai cũng biết này.
Các bạn có biết những lỗi thông thường mà chúng ta hay gặp phải là
những lỗi nào không? Bây giờ chúng ta hãy thảo luận một số ví dụ và cùng
tìm cách khắc phục.
Lỗi đầu tiên mọi người thường mắc phải đó là kết luận bằng câu: “Đó là
tất cả những gì tôi nói về vấn đề này; tôi nghĩ rằng tôi sẽ kết thúc tại đây”.
Đây không phải là câu kết luận. Hãy nhớ rằng một câu kết như vậy là một
lỗi lớn. Câu kết này cho thấy bạn không hề chuyên nghiệp trong công việc
của một diễn giả. Và lỗi này thật khó có thể chấp nhận hay tha thứ được.