Vậy tại sao thành kiến hồi tưởng lại nguy hiểm đến vậy? Thực chất, nó
khiến chúng ta tin rằng mình là những người có khả năng dự đoán giỏi hơn
thực tế, khiến chúng ta trở nên ngạo mạn về sự hiểu biết của mình, và hệ quả
là hứng chịu mạo hiểm quá mức. Nó không chỉ liên quan đến các vấn đề
toàn cầu: “Cậu nghe tin gì chưa? Sylvia và Chris không còn ở bên nhau nữa.
Chuyện của họ rõ ràng là không ổn, họ quá khác nhau.” Hoặc “Họ thật sự
quá giống nhau.” Hoặc: “Họ dành quá nhiều thời gian bên nhau.” Hoặc: “Họ
hầu như chẳng gặp nhau.”
Vượt qua thành kiến hồi tưởng không hề dễ dàng. Các nghiên cứu đã chỉ
ra rằng những người biết về nó vẫn cứ mắc bẫy với tần suất y như những
người khác. Vì thế, tôi rất lấy làm tiếc, nhưng quả thực bạn vừa lãng phí thời
gian đọc chương này.
Nếu bạn vẫn còn theo dõi, thì tôi còn một mẹo cuối cùng, lần này là điều
được rút ra từ kinh nghiệm riêng tư chứ không phải kinh nghiệm nghề
nghiệp: hãy ghi nhật ký. Hãy viết ra những dự đoán của bạn - về những biến
động chính trị, sự nghiệp của bạn, cân nặng của bạn, thị trường chứng
khoán, vân vân. Sau đó, thi thoảng hãy so sánh các ghi chép của bạn với
những diễn biến thực tế. Bạn sẽ phải kinh ngạc khi nhận ra mình dự báo tồi
đến thế nào. Cũng đừng quên đọc cả về lịch sử - không phải chỉ là những lý
thuyết về lịch sử được đúc kết và biên soạn trong sách giáo khoa, mà cả nhật
ký, lịch sử truyền miệng, và các tài liệu lịch sử của thời trước. Nếu bạn
không thể sống thiếu tin tức, hãy đọc báo của năm, mười, hoặc hai mươi
năm trước. Việc làm này sẽ khiến bạn nhận thức rõ ràng rằng thế giới này
khó lường đến mức nào. Hồi tưởng có thể tạm thời an ủi những kẻ bị ngợp
trước những gì phức tạp, nhưng để hiểu sâu hơn về cách thế giới vận hành,
tốt hơn hết là bạn tìm kiếm ở nguồn khác.