Tiếp theo, càng có nhiều lựa chọn thì quyết định càng kém đi. Nếu bạn
hỏi những người trẻ bây giờ điều gì là quan trọng ở một người bạn đời, thì
họ sẽ liệt kê tất cả những phẩm chất phổ biến: trí tuệ, ứng xử tốt, tính cách
nồng ấm, khả năng lắng nghe, tính hài hước, và bề ngoài hấp dẫn. Nhưng
thực ra họ có cân nhắc những tiêu chuẩn đó khi chọn lựa ai đó hay không?
Trước đây, một chàng trai trẻ từ một ngôi làng nhỏ có thể chọn ra một người
trong số khoảng hai mươi cô gái cùng độ tuổi học cùng trường với mình.
Anh ta biết gia đình của các cô kia và các cô kia cũng vậy, vì thế quyết định
được đưa ra dựa trên một vài phẩm chất mà hai bên biết rõ. Ngày nay, trong
thời đại hẹn hò qua mạng, chúng ta có tới hàng triệu bạn đời tiềm năng để
lựa chọn. Người ta đã chứng minh được rằng tâm lý stress bắt nguồn từ việc
có đầy rẫy lựa chọn đã trở nên nặng nề đến mức bộ não của người đàn ông
liền giới hạn lựa chọn của mình vào đúng một tiêu chuẩn duy nhất: bề ngoài
hấp dẫn. Hậu quả của quá trình lựa chọn này thì bạn biết rồi - thậm chí có
khi còn từ trải nghiệm của cá nhân.
Cuối cùng, ta dễ trở nên bất mãn khi đứng trước quá nhiều sự lựa chọn.
Làm sao bạn có thể chắc chắn mình đang lựa chọn đúng khi có tới hai trăm
phương án xung quanh khiến bạn hoa mắt chóng mặt? Câu trả lời là: không
thể biết chắc được. Càng có nhiều lựa chọn, thì sau đó bạn càng thấy bất an
và nảy sinh bất mãn.
Vậy thì bạn nên làm gì? Hãy suy nghĩ thật kỹ về những gì bạn muốn trước
khi xem xét các lời mời chào sẵn có. Hãy viết ra những tiêu chuẩn ấy và
bám sát vào chúng. Ngoài ra, hãy hiểu rằng bạn không bao giờ có thể đưa ra
quyết định hoàn hảo. Mục tiêu đưa ra quyết định hoàn hảo, trong hoàn cảnh
ta có vô số khả năng, là một dạng cầu toàn phi lý. Thay vào đó, hãy học cách
chấp nhận lựa chọn “khá”. Đúng vậy, ngay cả trong chuyện tìm bạn đời. Có
thật là chỉ cái gì tốt nhất mới thích hợp hay không? Trong thời đại không
giới hạn lựa chọn này, dường như điều ngược lại mới đúng: “Tạm được”
mới chính là tối ưu (dĩ nhiên là tôi và bạn cũng không ngoại lệ).