muốn nói tới”. Issac Newton có thể cũng đã phát biểu hệt như thế về vật lí, bởi
vì chính bản thân ông cũng quan tâm đến những nhận thức có tổ chức. Tuy các
phương pháp của hai lĩnh vực khác nhau một cách cơ bản, nhưng cả nghệ sĩ
lẫn nhà vật lí đều cùng chung một niềm khao khát muốn khám phá những cách
thức mà các mảnh đan xen lẫn nhau của hiện thực đã ghép lại với nhau. Đây
chính là nền tảng chung mà trên đó vật lí và nghệ thuật đã gặp nhau.
Paul Gauguin có lần đã nói: “Chỉ có hai loại nghệ sĩ - những nhà cách mạng
và những kẻ sao chép”. Nghệ thuật bàn luận trong cuốn sách này chủ yếu sẽ là
nghệ thuật được các nhà cách mạng sáng tạo ra, bởi vì tác phẩm của những
nghệ sĩ đó báo hiệu khởi đầu một sự thay đổi lớn trong thế giới quan của cả
một nền văn minh. Tương tự như vậy, mặc dù sự phát triển của vật lí luôn luôn
phụ thuộc vào các cống hiến tích tụ từ nhiều con người làm việc tận tuỵ và
xuất chúng, nhưng trong một số dịp hiếm hoi của lịch sử, đã xảy ra việc cá
nhân một nhà vật lí nào đó đã có một cái nhìn thấu đáo một vấn đề quan trọng
tới mức khiến cho quan niệm của toàn bộ xã hội ở thời đại đó về hiện thực bị
xem xét lại. Thi sĩ Rainer Maria Rilke đã gọi cái tầm nhìn siêu việt ấy là một
cơn “bùng cháy của minh thị”, cho phép một số nghệ sĩ và nhà vật lí nhìn thấy
được cái mà không một ai trước họ đã từng nghĩ là có. Họ - những người nghệ
sĩ cách mạng và nhà vật lí có tầm nhìn sâu xa - sẽ được ghép cặp trong những
trang sách tiếp sau đây.
Định nghĩa của Émile Zola về nghệ thuật - là “Tự nhiên được nhìn qua một
tâm trạng” - cũng gợi đến vật lí, vì tương tự như nghệ thuật, vật lí cũng có liên
hệ với tự nhiên. Trong tiếng Hi Lạp, từ physis (vật lí) có nghĩa là “tự nhiên”.
Lấy cái nền chung ấy làm điểm xuất phát, tôi sẽ mô tả các mối liên kết cũng
như những sự khác biệt giữa hai con đường có vẻ như khác hẳn nhau này mà
theo đó hai hệ thống nhận thức của chúng ta về tự nhiên được tổ chức nên.
Cũng như bất kì một nhà khoa học nào khác, nhà vật lí có nhiệm vụ phá vỡ
“tự nhiên” ra thành các thành tố để phân tích mối quan hệ của chúng với nhau.
Quá trình này chủ yếu là một quá trình quy giản. Ngược lại, người nghệ sĩ
thường đem các đặc trưng khác biệt của thực tại đặt cạnh nhau rồi tổng hợp
chúng, để đến lúc hoàn thành, tổng thể công trình sẽ lớn hơn tổng các thành tố
ấy. Có một sự giao thoa đáng kể trong những kĩ thuật mà nhà vật lí và người
nghệ sĩ sử dụng. Nhà văn Vladimir Nabokov đã viết: “Không có khoa học nào