nhà phê bình, hầu hết đều là quân của viện hàn lâm, đã gia cường cho chính
sách chính thức bằng những bài xỉ vả đám phản đạo, nặng nề như roi quất và
chua ngoa đến mức hầu như không bao giờ lặp lại. Ví dụ sau đây là những lời
công kích chết người của Alexandre Dumas con đối với họa sĩ hiện thực cánh
tả nổi tiếng thời ấy là Gustave Courbet:
“Từ cuộc gặp gỡ hoang đường nào của một con
ốc sên với một con công, từ cặp phản đề sinh dục
nào, từ đám nước rỉ ra béo mỡ nào lại có thể nảy
nòi một vật có tên là tiên sinh Gustave Courbet?
Dưới cái chụp dưỡng cây nào, được loại phân
nào bón tưới, là kết quả của một hỗn hợp nào
giữa rượu, bia, đờm dãi và những mụn nhọt kếch
xù, đã mọc lên cái quả bí ngô lông lá và rỗng
tuếch này, cái bụng mượt mà này, hiện thân ngu
ngốc và bất lực về sinh lí này của Cái Tôi?”
Hầu hết các nghệ sĩ đều hoàn toàn tuân phục các mệnh lệnh của viện hàn
lâm và mù quáng chấp nhận những tiêu chí của nó. Được hội đồng của viện
chọn ra đem triển lãm tại salon chính thức là chìa khoá cho thành công về mặt
thương mại đối với một nghệ sĩ. Nhưng hội đồng ngay lập tức chưa nhận ra
rằng sau gần sáu trăm năm, thứ nghệ thuật ảo giác phối cảnh được nâng niu bởi
các truyền thống của viện giờ đây đã mất đi sức sống của nó. Nhiều bức họa
nộp cho salon chỉ là những bài tập vẽ tầm thường. Bất chấp sự phê duyệt của
hội đồng có một tầm quan trọng lớn lao đối với một nghệ sĩ trẻ đầy khát vọng,
thời gian đã chín để xuất hiện một người nào đó cất tiếng tuyên bố rằng Hoàng
đế không mặc quần áo gì cả.
Kẻ nổi loạn thực hiện sứ mạng này thật bất ngờ lại là chàng trai tao nhã và
sành điệu Édouard Manet. Thời trẻ, Manet rèn nghề với họa sĩ hàn lâm
Thomas Coutre. Tuy nhiên, khi đến năm hai mươi bảy tuổi, Manet phá huỷ tất
cả những bức tranh của mình khi đột nhiên cảm thấy kinh tởm chúng và tuyên
bố với đám bạn bè nghệ sĩ trẻ thân cận của mình: “Từ này trở đi tôi sẽ thuộc về
thời đại của chúng ta và sẽ làm việc với cái mà tôi nhìn thấy”.