ảnh và đủ sức làm được mà không phải nhờ cậy đến chúng. Chúng ta đã gọi
một cách rất chính xác kiểu tư duy ấy là “trừu tượng”. Đây chính là vương
quyền và cũng là sự chuyên chế của ngôn ngữ. Việc gán một cái tên cho một
cái gì đó chính là khởi đầu của sự kiểm soát đối với nó. Sau khi Chúa Trời tạo
ra Adam, công việc đầu tiên mà Người sai Adam thực hiện là gọi tên tất cả các
loài vật. Chúa cho Adam biết rằng làm xong được việc lớn ấy, Adam có thể
thống trị tất cả các loài cầm thú. Hãy lưu ý rằng Chúa Trời đã không dạy Adam
một cái gì thực dụng như nhóm lên một ngọn lửa hay chuốt nên một cây lao.
Thay vào đó, Chúa dạy Adam Cách gọi tên. Từ ngữ, hơn là sức mạnh hay tốc
độ, đã trở thành vũ khí mà loài người sử dụng để chinh phục tự nhiên.
Do việc từ ngữ làm xói mòn đi hình ảnh đã xảy ra tại một thời kì sớm đến
thế trong cuộc đời con người, nên chúng ta đâm ra quên mất rằng để học được
một cái gì đó đặc biệt mới lạ, chúng ta trước hết cần phải hình dung ra nó.
“Hình dung” có nghĩa đen là “tạo ra một hình ảnh”. Hãy xét đến những lời
chúng ta thốt ra khi phải vật lộn với một ý tưởng mới: “Tôi không hình dung
được”, “Hãy để tôi tưởng tượng ra trong đầu”, “Tôi đang cố hình dung ra nó”.
Thiết nghĩ, nếu như chức năng tưởng tượng đã đóng vai trò tối quan trọng như
thế trong sự phát triển của một đứa trẻ, và nó cũng đã hiện diện trong nền văn
minh của loài người nói chung, vậy thì ai là người đã sáng tạo ra các hình ảnh
đi trước các ý niệm trừu tượng và ngôn ngữ mô tả? Đó chính là người nghệ sĩ.
Trong các trang tiếp theo, tôi sẽ chứng minh nghệ thuật có tính cách mạng có
thể được hiểu như thế nào với tư cách là giai đoạn tiền ngôn ngữ của một nền
văn minh khi nền văn minh đó bắt đầu trăn trở để thay đổi về cơ bản sự nhận
thức của nó đối với thế giới. Để diễn giải cho luận đề này, tôi sẽ nghiên cứu
nghệ thuật không chỉ với tư cách là một đối tượng mĩ học làm mãn nhãn chúng
ta, mà còn như một Hệ thống Cảnh báo từ xa của tư duy tập thể cả một xã hội.
Nghệ thuật thị giác đã báo trước cho các thành viên khác rằng sắp sửa có một
sự chuyển dịch khái niệm xảy ra trong hệ thống tư duy đang được sử dụng để
nhận thức thế giới. Nhà phê bình nghệ thuật John Russell đã nhận xét: “Trong
nghệ thuật, tồn tại một viễn kiến về thế giới mà chúng ta còn chưa tìm ra từ để
gọi, chứ chưa nói đến chuyện giải thích được nó”.
Dù cả hai lĩnh vực đều đòi hỏi tương tự, nhưng người nghệ sĩ trong con mắt
nhìn của mình bao giờ cũng có một dự cảm rất khác lạ, đi trước mọi phương