những hậu quả tâm lí và xã hội của nền công
nghệ sắp tới, thì liệu tất cả họ có trở thành nghệ
sĩ? Hoặc liệu con người có bắt đầu chuyển đổi
một cách thận trọng các hình thức nghệ thuật
mới thành các bản đồ dẫn đường xã hội? Tôi rất
tò mò muốn biết cái gì sẽ xảy ra nếu đột nhiên
nghệ thuật được nhìn nhận đúng như nó là thế,
mà cụ thể là thông tin chính xác về cách bố trí lại
tâm thức của con người như thế nào để chuẩn bị
đón nhận một sự bùng nổ mới từ các giác quan
được mở rộng ra của chính chúng ta...”
Nghệ thuật mang tính cách mạng ở mọi thời đại đều đã thực hiện cái chức
năng chuẩn bị cho tương lai ấy.
Cả nghệ thuật lẫn vật lí đều là những hình thái ngôn ngữ độc nhất vô nhị.
Mỗi một ngành đều có một kho từ vựng các kí hiệu đặc thù, được sử dụng theo
một cú pháp riêng biệt. Các ngữ cảnh cụ thể và rất khác biệt của chúng đã làm
mờ đi mối liên hệ của chúng với ngôn ngữ thường ngày cũng như giữa chúng
với nhau. Tuy vậy, đáng chú ý là nhiều khi thuật ngữ của ngành này lại có thể
áp dụng cho các khái niệm của ngành kia. “Thể tích”, “không gian”, “khối
lượng”, “lực”, “ánh sáng”, “màu sắc”, “độ căng”, “quan hệ”, “mật độ” là
những từ mô tả mà bạn liên tục được nghe khi theo chân một vị giáo sư bảo
tàng đi tham quan suốt lượt các tác phẩm trưng bày. Các từ ấy cũng thường
xuất hiện trên bảng đen trong những giờ giảng vật lí cho sinh viên năm thứ
nhất. Những người theo đuổi hai cái ngành khác biệt hẳn nhau này đều say mê
cháy bỏng sự thanh nhã, tính đối xứng, vẻ đẹp và mĩ học. Dấu bằng trong công
thức của nhà vật lí là một ẩn dụ cơ bản được nhiều nghệ sĩ sử dụng. Trong khi
nhà vật lí chứng minh rằng A bằng với B hay X tương đương Y, thì các nghệ sĩ
lại thường chọn các dấu hiệu, kí hiệu và biểu tượng để đánh ngang bằng một
hình ảnh được vẽ lên với một nét trải nghiệm nào đó. Cả hai kĩ thuật đều làm
hiển lộ những quan hệ trước đó đã được che giấu.
Niels Bohr, một trong những người sáng lập ra vật lí lượng tử, mê mẩn trước
mối quan hệ giữa vật lí và ngôn ngữ, đã nhận xét: