hiện tại của toàn vũ trụ sẽ ngụ ý rằng tại bất kì một khoảnh khắc nào đó của
thời gian, sẽ có một loạt những sự kiện cùng xảy ra ở mọi nơi trong vũ trụ.
Nhiều người chúng ta còn nhớ rõ mình đang làm gì trong thời gian và đang ở
đâu trong không gian vào đúng lúc Neil Armstrong cắm lá cờ Mĩ lên mảnh đất
của mặt trăng.
Nhưng hệt như đã làm trật bánh đoàn tàu đang lao nhanh của sự tiếp nối,
thuyết tương đối hẹp của Einstein cũng làm nổ tung nhà ga của tính đồng thời.
Ý niệm về một thời khắc bất động chứa đựng các sự kiện xảy ra đồng thời với
nhau đã bị đập tan ra thành muôn mảnh nhỏ; theo các phương trình của
Einstein, mỗi mảnh nhỏ ấy tồn tại trong một hệ quy chiếu quán tính riêng của
mình với thời gian và không gian riêng của nó, trong quan hệ tương đối so với
mọi hệ quy chiếu khác chứa đựng thời gian và không gian riêng của mỗi cái.
Không những đã xóa bỏ khái niệm trạng thái nghỉ tuyệt đối, mà Einstein còn
phá tan quan niệm cho rằng có tồn tại một thời điểm phổ quát, diễn ra đồng
thời toàn vũ trụ. Ông gọi nguyên lí này là tính tương đối của sự đồng thời.
Trong cuốn Einstein - Huyền thoại và Thi hứng của mình, Alan J. Friedman và
Carol C. Donley đã phát biểu:
“Việc tính đồng thời thất bại, không trở thành
một thuộc tính tuyệt đối đã mang ý nghĩa là “vũ
trụ tại một thời điểm” không phải là một thực tại
có thể xác nhận được. Thời điểm không có tính
phổ biến toàn vũ trụ; hiện tại chỉ là một khái
niệm địa phương đối với từng người quan sát; nó
sẽ có một ý nghĩa khác đối với một người quan
sát khác bất kì, ở một trong một hệ quy chiếu
quán tính bất kì nào khác”.
Hai người còn nói tiếp: “Ý niệm về một hiện tại mang tính phổ quát quan
trọng đến mức nên gán cho nó vị thế của một huyền thoại”.
Nghệ thuật, giống như khoa học, đã dựa rất nặng nề vào khái niệm một hiện
tại mang tính phổ quát: các sự kiện xảy ra đồng thời trong những miền khác
nhau của không gian. Khi Giotto bắt giữ thời gian trên các tác phẩm hội họa
của mình ở thế kỉ mười ba, ông thực hiện bằng cách chọn một thời điểm và