quyển, nhưng màu cơ bản của vật đó nhìn trong ánh sáng rõ ràng thì phụ thuộc
vào các nguyên tử cấu thành nên nó.
Thuyết tương đối hẹp đã phát lộ ra điều ngược lại. Màu sắc, cũng như thời
gian và không gian, hóa ra cũng mang tính tương đối. Một vật thể phóng như
bay ra xa một người quan sát với tốc độ tương đối tính sẽ có màu chuyển dịch
về phía đầu đỏ của quang phổ; còn vật lao đến gần thì dịch chuyển về phía đầu
màu lam. Cái hệ quả làm ngỡ ngàng nhà khoa học cũng như người họa sĩ là
màu sắc không những chỉ phụ thuộc vào cấu tạo nguyên tử của một vật thể, mà
còn phụ thuộc vào vận tốc và hướng chuyển động của vật đó so với người quan
sát. Một cách tình cờ, Einstein đã giải thoát màu sắc khỏi vòng kìm hãm chặt
chẽ của sự phản xạ các bước sóng ánh sáng.
Ở những vận tốc tương đối tính, màu sắc tự do thay đổi theo chuyển động
.
Xanh lá cây không nhất thiết là xanh lá cây. Trong những hoàn cảnh nhất định
và nói một cách tương đối, nó có thể là đỏ hoặc là tím. Các nhà thiên văn, bắt
đầu với William Huggins, đã nhận biết được những chuyển dịch quang phổ của
các vì sao từ năm 1868. Thuyết tương đối, khi kết hợp với hiệu ứng Doppler đã
giải mã được sự bí hiểm của hiện tượng này.
Thuyết tương đối hẹp còn làm suy yếu khái niệm thiêng liêng cho rằng thế
giới bên ngoài nhận thức của chúng ta là một thực tại khách quan. Aristotle,
Bacon, Descartes, Locke, Newton và Kant tất cả đều đặt các thành trì triết học
tương ứng của các ông trên giả định rằng bất kể bạn, người quan sát, đang ở
đâu, bất kể bạn đang di chuyển nhanh đến thế nào, thì thế giới bên ngoài bạn
cũng sẽ không bị bạn làm ảnh hưởng. Các công thức của Einstein đã thay đổi
quan niệm này về thực tại “khách quan” bên ngoài. Nếu không gian và thời
gian là tương đối, thì trong cái mạng lưới có thể uốn cong được ấy, thế giới
khách quan cũng sẽ mang một tính đàn hồi nhất định. Các sự kiện xảy ra đồng
thời hay tiếp nối nhau, màu sắc, hình dạng của vật thể đã không chỉ thuộc về
thế giới bên ngoài hoạt động của con người nữa; thay vào đó, chúng cũng phụ
thuộc vào tốc độ của cái bộ óc đang lao vùn vụt trong không gian và thực hiện
việc quan sát chúng.
Tính chủ quan - thứ mà trước thế kỉ hai mươi bị tất cả các ngành khoa học
ghét cay ghét đắng và ngược lại được coi là nguồn cảm hứng của mọi môn
nghệ thuật - đã vượt qua sự chia cắt vĩ đại. Lo âu và khó chịu, khoa học bị