buộc phải chấp nhận thằng bé khốn kiếp đó vào trong căn nhà thiêng liêng của
riêng mình. Cái thế giới gọi là khách quan sẽ thay đổi về kích thước, hình
dạng, màu sắc và tính liên tục khi một người quan sát chủ quan thay đổi tốc độ
và hướng chuyển động so với nó. Nhiều nhà khoa học sẽ phản biện tính tương
đối không phải là chủ quan, vì mỗi một hệ quy chiếu đều được liên hệ về toán
học với một hệ quy chiếu bất kì khác bằng công cụ toán học. Mặc dù bản thân
Einstein cũng không hề tin có bất kì điều gì là chủ quan về lí thuyết của ông,
nhưng các độc giả có đầu óc thiên về triết học một chút có thể đưa ra những
phán xét của riêng mình khi đối mặt với nghịch lí: liệu những biến dạng mà
người quan sát đã nhìn thấy có “thực sự” tồn tại, hay chúng chỉ là một “ảo
giác”? Năm 1911, Einstein đã đề cập đến chủ đề này:
“Hỏi hiện tượng co Lorentz (-FitzGerald) có tồn
tại hay không tồn tại, thì chỉ gây bối rối mà thôi.
Nó “thật sự” không tồn tại... đối với một người
quan sát đang chuyển động (cùng với một thanh
sắt); nhưng nó lại “thực sự” tồn tại... theo nghĩa
nó có thể được chứng minh bởi một người quan
sát đứng yên”.
Những độc giả nào có quan điểm chặt chẽ và đúng đắn về mặt toán học cho
rằng tính tương đối không phải là chủ quan thì chắc chắn sẽ cảm thấy hơi khó
chịu khi suy nghĩ về phát ngôn trên của Einstein: một thứ gì đó - vừa là “thật"
với người quan sát này, đồng thời lại là “ảo” đối với một người quan sát khác -
lại chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào điểm quan sát của một người. Phát ngôn của
Einstein là một định nghĩa chính xác về tính chủ quan.
Tóm tắt lại, có thể nói bụi phóng xạ của thuyết tương đối hẹp đã làm thay
đổi nhiều niềm tin rất cơ bản về thực tại từ sau năm 1905. Kể từ đó trở đi,
những nguyên lí sau đây đã tích hợp trở thành một quan niệm hoàn toàn mới
về thế giới:
• Không gian và thời gian mang tính tương đối, là những tọa độ tương hỗ
nhau và kết hợp với nhau để tạo nên một chiều kích cao hơn gọi là continuum
không-thời gian. Chúng không bất biến, tuyệt đối và tách biệt.