vào nhau. Chỉ một khi hình dạng của một vật được khắc ghi và ổn định ở trong
bộ não đang phát triển của đứa trẻ, thì thời gian và không gian mới cái nào đi
theo đường riêng của cái nấy và trở thành hai tọa độ khác biệt nhau. Việc hình
thành phạm trù này - thời gian, không gian và tính bền vững của vật thể - đã
được ăn sâu trong cảm giác phương Tây đến mức cho tới trước Einstein, không
hề có một ai hình dung ra thế giới theo bất kì một kiểu nào khác. Nhưng lí
thuyết giản dị mà tinh xảo đến lạ kì của Einstein đặt một điểm nhìn từ một
chùm sáng - điều mà người lớn chỉ có thể tưởng tượng ra một cách rất chật vật
- lại chính là điều mà tất cả lũ trẻ thơ còn đang nằm trong xe nôi đều cảm nhận
được.
Sự tương đồng giữa quan niệm mới mẻ của Einstein về không gian, thời
gian và ánh sáng với nhận thức của một đứa trẻ rất nhỏ tuổi đã được Piaget ghi
nhận. Trong lời nói đầu cho cuốn Le Développement de la notion de temps
chez l'enfant (Sự phát triển khái niệm thời gian ở trẻ thơ) của mình, Piaget có
nhắc tới một trao đổi với Einstein. Nhà khoa học vĩ đại hỏi Piaget liệu trực giác
chủ quan về thời gian là “trực tiếp hay phái sinh từ cái khác, và liệu nó có gắn
kết với tốc độ ngay từ đầu hay không?”. Tính hiếu kì nổi lên, Piaget đã nghiên
cứu vấn đề thời gian với sự chú ý đặc biệt tới mối quan hệ giữa thời gian với
tốc độ (chuyển động), nhằm cố gắng tạo ra một sự tương đồng có ý nghĩa giữa
khái niệm thời gian trong tâm lí học thực nghiệm và việc miêu tả thời gian
trong vật lí học. Các kết quả nghiên cứu của ông đã chỉ ra một sự tương đồng
mạnh mẽ giữa những nhận biết thô sơ của một em bé về không gian và thời
gian và những nhận biết mà một người quan sát trải nghiệm khi di chuyển với
vận tốc của ánh sáng.
Mối quan hệ giữa vật lí học của thế kỉ hai mươi và cái thế giới bên trong
sống động của trí tưởng tượng của một đứa trẻ sẽ càng trở nên rõ ràng sau khi
chúng ta xem xét một số đặc tính nổi bật khác của thế giới quan trẻ thơ. Một
trong nhiều nét đặc thù đáng kinh ngạc phân biệt các quá trình tư duy của đứa
trẻ với quá trình tư duy của người lớn là kiểu tư duy “thần kì”. Trẻ thơ làm
nhòe đi ranh giới giữa tư duy và hành động, giữa không gian bên trong của trí
tưởng tượng và không gian bên ngoài của tính khách quan. Trẻ em lẫn lộn một
hành động tự nguyện có chủ định với tính nhân quả. Và vì thế, trẻ em thường
nhẹ dạ tin rằng nếu tập trung các năng lực tinh thần bên trong cho một cái đích