Năng lực mà chúng ta sử dụng để nắm bắt bản chất của cái “ngoài kia”
chính là trí tưởng tượng. Ở một nơi nào đó trong ma trận của bộ não, chúng ta
dựng nên một thực tại tách biệt, được sáng tạo ra bởi ý thức tư duy, phi vật thể
hóa. Cái thực tế bên trong này không liên quan gì với không gian bên ngoài và
tồn tại ngoài dòng thời gian tuyến tính. Khi nhớ lại một ngày trên bãi biển,
chúng ta đan các mảnh nhỏ của ngày hôm đó lại với nhau, những mảnh này đã
không còn “thực sự” tồn tại nữa. Chúng ta có thể dễ dàng cho chạy tới chạy lui
các sự kiện, thay đổi chúng với những khả năng khác nhau mà chúng ta tin là
đã xảy ra. Qua cái bộ lọc tâm trạng của mỗi con người, hiện thực “khách quan”
được nhìn nhận như là tai họa và niềm an ủi của nhận thức cá nhân: trong câu
chuyện Rashomon cổ điển của Nhật Bản, mỗi một nhân vật lại tin vào sự thật
theo phiên bản của riêng mình. Ý thức, giống hệt như các đoàn kiến xếp hàng
dài, miệt mài chuyên chở từng mảnh của thế giới bên ngoài qua những đường
hầm của các giác quan, rồi tái tạo lại nó ở trong não, cái hình ảnh ảo bên trong
ấy tích tụ mãi lên, trở thành một “ý kiến” trong đầu từng cá nhân, mỗi người
riêng một kiểu, về cách thức hoạt động của thế giới.
Khi một đám đông người đủ lớn cùng đồng ý với nhau về một quan điểm,
chúng ta gọi sự đồng ý đó là một sự “nhất trí”. Sự nhất trí theo nhóm trong
khuôn khổ xã hội dẫn chúng ta đến việc hình thành các chính đảng, các giáo
phái và các hệ thống kinh tế. Mỗi một hình mẫu được dựa trên một hệ thống
niềm tin đã được chấp nhận. Khi toàn bộ một nền văn minh đạt tới sự nhất trí
về cách thức hoạt động của thế giới, thì hệ thống niềm tin ấy đã được nâng lên
đến vị thế tối cao của một “hệ hình” mà các tiền đề của nó có vẻ hiển nhiên
đến nỗi không ai cần phải chứng minh chúng nữa. Không còn bị nghi ngờ, các
giả định mà hệ hình dựa trên đó sẽ trở thành các tiên đề. Hai cộng với hai luôn
luôn là bốn và tất cả các góc vuông đều bằng nhau. Đối với người đã tin,
những giả định ấy làm thành các “chân lí” vững như bàn thạch.
“Chân lí”, như Alfred North Whitehead định nghĩa, “là sự phù hợp của cái
Vẻ bên ngoài với Thực tại”. Điều làm cho bất cứ một hệ thống chân lí vững
như đá tảng nào cũng trở nên lung lay chính là việc mỗi một thời đại hay một
nền văn hóa lại định nghĩa về sự khẳng định này theo cách riêng của mình. Khi
thời gian đã điểm để thay đổi một hệ hình - từ bỏ một chân lí vững như bàn