“Hầu hết chứng nhân đều ngỡ thời gian trôi,
nhưng sự thực nó ở nguyên một chỗ. Ý niệm về
dịch chuyển ấy cũng có thể gọi được là thời gian,
nhưng là ý sai, bởi vì nếu chỉ thấy nó đi, người ta
sẽ không hiểu được rằng nó luôn ở nguyên một
chỗ”.
Vì các nghệ sĩ phương Đông đã thấm đẫm những quan niệm về thời gian của
các nền văn hóa của họ, nên những hiệu ứng chốc lát mà người phương Tây
quen thuộc hầu như vắng bóng trong các tác phẩm phương Đông. Thay cho
việc miêu tả những sự kiện cụ thể từ những ngày tháng cụ thể, hầu hết nghệ
thuật cổ điển châu Á quan tâm đến những chủ đề mà ở trong chúng và bản thân
chúng là không có thời gian. Trúc diệp, bạch hạc, cúc hoa và thư pháp đã vượt
lên trên biên niên kí. Miêu tả những sự kiện cố định trong thời gian chưa bao
giờ phát triển thành cơn cuồng si họa lại bằng tranh các cảnh lịch sử, là việc đã
chiếm một số lượng khổng lồ trong khối sản phẩm đầu ra của nghệ sĩ phương
Tây. Ngay cả nỗi ám ảnh của phương Tây chăm chăm muốn sắp xếp danh mục
tác phẩm của một nghệ sĩ, muốn tất cả các bức họa phải được kí tên và đề ngày
tháng, mãi đến rất gần đây vẫn là một điều hầu như không được biết đến trong
nghệ thuật châu Á. Khi họa sĩ Nhật Bản Hokusai, chịu ảnh hưởng của phương
Tây, thực tế có ghi ngày tháng vào tác phẩm của mình, thì ông cũng làm việc
đó lơ đễnh đến mức là tới tận ngày nay, người ta vẫn không thể lọc ra nổi một
cách chắc chắn tác phẩm nào là thuộc giai đoạn đầu, tác phẩm nào là giai đoạn
sau của ông.