riêng cho mình cái quyền được mặc có màu sắc sặc sỡ. Họ lệnh rằng nông dân
và nô bộc phải mặc tuyền màu đen hoặc nâu. Chỉ hoàng gia mới được mặc
màu tía. Màu đỏ, vàng và bạc là dành cho các cố vấn cận thần của vua, tầng
lớp quan trọng thứ hai. Màu sắc mà các hiệp sĩ, điền chủ, thậm chí cung thủ và
vợ của họ mặc đã thể hiện đẳng cấp của họ, tương tự như quân hàm hay đồng
phục. Người ta không lấy gì làm hài lòng nhưng cũng đã phải lập ra một ngoại
lệ cho bác sĩ và luật sư, những người tuy không phải là thành viên của tầng lớp
quý tộc nhưng lại được phép mặc có màu sắc. Đẳng cấp thứ nhất đã ra sức bảo
vệ các đặc quyền của mình và những đạo luật tiết chế được đặt ra chủ yếu là để
ngăn tầng lớp thương nhân đang nổi lên không được mặc những trang phục
càn rỡ. Nhưng xem xét qua tần suất sửa đổi bổ sung các đạo luật tiết chế này,
thì có thể thấy rằng chúng đã chỉ thành công một cách hạn chế.
Trong lịch sử còn có nhiều ví dụ khác về việc những người có quyền đã kìm
giữ cái sức mạnh tiềm chứa trong màu sắc và sử dụng nó phục vụ cho chính
sách của mình. Người ta chỉ cần nghĩ tới việc tình cảm ái quốc của người Mĩ sẽ
được khơi dậy bùng lên như thế nào từ ba màu đỏ, trắng và xanh nước biển là
đủ rõ. Hãy quan sát các cổ động viên đã hưởng ứng như thế nào trước màu cờ
sắc áo của đội nhà hay đếm số lượng các chiến binh trẻ đã quên thân trong trận
chiến vì ngọn cờ của tiểu đoàn mình. Đó là những ví dụ về quyền lực của màu
sắc.
Nhu cầu kiểm soát màu sắc còn thể hiện rõ trong những cái gọi là nỗ lực
mang tính lí trí. Màu xám chính phủ, xanh rêu quân đội, xanh tím than của
doanh nghiệp, trắng áo choàng phòng thí nghiệm - tất cả phục vụ cho việc tiết
chế tác động của màu sắc lên nhận thức, loại trừ nỗi cám dỗ hay sự sao nhãng,
cứ như là đã có một ai đó biết rằng những sắc độ tươi sáng sẽ can thiệp vào cái
logic lạnh lùng cần thiết cho việc thực hiện các công việc này. Ngược lại, màu
sắc rực rỡ tràn trề trong các vở opera, các cuộc diễu binh, hội giả trang, buổi
biểu diễn nhạc rock, hội hè đình đám và nghệ thuật nói chung đã chứng thực
cho việc đặt đúng chỗ sự cảm nhận về màu sắc tại bán cầu phải của bộ óc con
người.
Do màu sắc là một thành tố cơ bản của nghệ thuật, cho nên việc nghệ thuật
của một thời đại đã đối xử như thế nào với màu sắc sẽ tiết lộ rất nhiều về văn
hóa của thời đại đó. Truyền thống kinh viện của phương Tây, dựa trên văn hóa