Khám phá của Hubble còn thú vị hơn ở chỗ: trong một khoảng thời gian rất
dài, màu sắc không hề là một tính chất được xem xét đến trong các tính toán
của khoa học. Pythagoras, Plato, Euclid và Aristotle đều không tính đến màu
sắc trong các công trình nghiên cứu của mình, các nhà khoa học ở giai đoạn
đầu của thời kì Phục hưng cũng ít chú ý đến quang phổ, ví dụ như Copernicus
khi ông lập ra lí thuyết nhật tâm của hệ mặt trời. Galileo cũng không sử dụng
màu sắc trong các khám phá của ông về cơ học, Kepler cũng vậy khi tính toán
những quỹ đạo hình elip của các hành tinh. Newton đã không cần đến màu sắc
để viết nên kiệt tác của mình, cuốn Các nguyên lí. Đúng ra thì khi sử dụng một
lăng kính, ông cũng đã có những khám phá mang tính khơi gợi lâu dài về sau
liên quan đến bản chất của màu sắc; nhưng việc xuất bản cuốn Quang học của
ông chỉ diễn ra sau khi ông đã có những phát kiến về lực hấp dẫn, chuyển
động, phép tính vi tích phân, nên cuốn sách đã không có những tác động hay ý
nghĩa như cuốn Các nguyên lí. Khi tạo ra từ “quang phổ”, Newton lấy nguồn
từ một từ Latin mang nghĩa là “(ma quỷ) hiện hình”, cứ như là đối với ông các
đặc tính chập chờn như ma trơi của màu sắc và ánh sáng chiếm một vị trí hạn
chế giữa thế giới này và thế giới bên kia. Từ buổi ban đầu của thời kì Phục
hưng cho đến khi kết thúc thời kì Khai sáng, màu sắc chiếm một vai trò phụ
thuộc trong các công trình khoa học vĩ đại đầy kịch tính. Trong những năm
tháng ấy, các tính chất có thể định lượng được bằng các con số và phép đo đã
chiếm thế ưu việt hơn so với các tính chất về kết cấu và màu sắc.
Tuy nhiên, tình cờ cùng với sự nổi lên của chủ nghĩa Ấn tượng, khoa học bắt
đầu thể hiện một mối quan tâm sinh động hơn với chủ đề màu sắc. Năm 1859,
Gustav Kirchhoff và Robert Bunsen (người đã nổi tiếng vì phát minh ra đèn
Bunsen) đã kiến lập một cách vững chắc phép phân tích quang phổ. Họ quan
sát thấy rằng nếu chiếu ánh sáng qua một lớp khí được nung nóng của một
nguyên tố cụ thể nào đó trong Bảng tuần hoàn, thì khi phân tích ánh sáng thoát
ra từ đó sẽ thấy những vạch rõ nét, rất đặc trưng mà chỉ nguyên tố ấy mới có.
Dường như quang phổ của từng nguyên tử, khi nhìn qua kính quang phổ, có
dấu ấn riêng không lẫn với các nguyên tố khác (giống như vân tay của con
người). Không ai hiểu tại sao những vạch ấy lại cố định như vậy; nhưng đến
năm 1863, năm ra đời Phòng tranh của Những người chối bỏ, Kirchhoff và