tượng cho những người sử dụng chúng, chữ tượng hình hoặc biểu ý về cơ bản
là một bức tranh trong đó có thể chứa nhiều khái niệm chồng đặt lên nhau.
Ngược lại, bảng chữ cái xâu chuỗi các khái niệm đó thành các từ trong một câu
mà nghĩa của nó phụ thuộc vào trật tự tuyến tính. Việc gỡ các ý tưởng được kết
bện trong một hình tượng biểu ý và chuyển chúng thành một mã tuyến tính đã
tăng cường niềm tin rằng sự vật cái này tiếp theo cái kia, và bằng cách như
vậy, bảng chữ cái đã ngầm áp đặt tính nhân quả vào quá trình tư duy của những
người sử dụng nó.
Marshall McLuhan đã chỉ ra tầm quan trọng sống còn của một công nghệ
truyền thông mới khi ông lập nên câu cách ngôn nổi tiếng của mình “Phương
tiện thông tin chính là thông điệp”. Trong tác phẩm Thiên hà Gutenberg, ông
cho rằng hàm lượng thông tin được trao đổi trong một phương tiện cụ thể nào
đó như ngôn ngữ nói hoặc từ được viết theo các con chữ của bảng chữ cái, sẽ
bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cái quy trình mà người ta sử dụng để truyền đi thông
tin đó. Quy trình, hơn là chất lượng gốc của thông tin, xét cho cùng sẽ có ảnh
hưởng lớn hơn đối với nghệ thuật, triết học, khoa học và tôn giáo của nền văn
minh. Việc một số lớn người Hi Lạp cổ đại sử dụng thường xuyên bảng chữ cái
trong suốt một thời gian dài đã làm mạnh thêm ba mặt của nhận thức: sự trừu
tượng hóa, tính tuyến tính và tính liên tục. Ba ý niệm này đồng thời cũng là
nền tảng của quan niệm mới về không gian, thời gian và ánh sáng sẽ xuất hiện
ở nhiều thế kỉ sau, sau khi hệ chữ cái mới của người Hi Lạp được chấp nhận
rộng rãi.
Không phải tình cờ mà ngành khoa học đầu tiên về không gian lại xuất hiện
trong nền văn minh đã sáng tạo ra bảng chữ cái ưu hóa ấy. Nhà toán học Hi
Lạp Euchid, người dạy học tại Bảo tàng Alexandria vào khoảng năm 300 trước
CN (museum - bảo tàng - là loại trường học dành để tôn thờ các Muse - những
nữ thần bảo trợ cho khoa học và nghệ thuật), đã luật hóa không gian thành một
lĩnh vực của tri thức gọi là hình học. Người Ai Cập. Babilon, Hindu và nhiều
dân tộc khác trước đó đã khám phá ra một số mảnh, miếng khác nhau của các
chân lí hình học. Nhưng chính Euclid mới là người đã gắn kết tất cả các chứng
minh đó lại với nhau và trong một hệ thống duy lí vĩ đại, ông đã đặt nền tảng
cho cả một ngành khoa học mới. Euclid đã truyền tải tư duy trừu tượng thành
các biểu đồ tạo nên một hệ thống chặt chẽ. Ông bắt đầu bằng cách định nghĩa