NGHỆ THUẬT VÀ VẬT LÝ - Trang 34

được nhìn thấy trên mặt nước. Chân trời là đường định hướng trung tâm trong
những trải nghiệm của chúng ta. Phi công và thủy thủ bị lạc trong sương mù
không nhìn thấy đường chân trời thường báo cáo về sự mất phương hướng rất
lạ lùng liên quan đến trên, dưới, trước, sau, trái, phải. Cái đường thẳng hình
thành một cách tự nhiên này quan trọng đến mức tôi đồ rằng việc nó luôn hiển
hiện đã có một tác động lớn lao lên các nền văn minh ven biển. Có lẽ lí do mà
bảng chữ cái theo trật tự thẳng, logic học tuyến tính và không gian tuyến tính
chủ yếu được cổ suý bởi các đế quốc hàng hải thời Hi Lạp cổ đại, Đế chế La
Mã, Venice Phục hưng và nước Anh của Nữ hoàng Elizabeth là bởi vì cư dân
của những đế quốc đó đã liên tục nhìn thấy bằng mắt thường cái đường thẳng
nhất ấy của tự nhiên. Đường hằn sắc nét này đã không có trong trải nghiệm
hằng ngày của những nền văn minh nằm sâu trong đất liền như Ai Cập, Tiểu Á
hay Trung Hoa cổ đại. Có lẽ sự thiếu vắng của nó là nguyên nhân làm cho các
đế quốc này không phát triển được hệ thống bảng chữ cái được sử dụng rộng
rãi, hay tổ chức được không gian và thời gian theo cách tuyến tính.

Sau khi đã phát minh ra một phương cách mới để khái niệm hóa không gian

và thời gian, các nhà triết học Hi Lạp đã cố tìm hiểu bản chất của ánh sáng.
Người Hi Lạp tiền cổ điển đã không phân biệt được giữa “mắt” và “ánh sáng”:
một trong hai từ đều có thể dùng để miêu tả một cái gì đó được yêu thương hay
ngưỡng mộ. Mắt dường như phát ra ánh sáng, và các nguồn sáng lại xuất hiện
dưới dạng như những con mắt lớn. Mặt trời có thể được gọi là một con mắt, và
đôi mắt của con người ta có thể được nói đến như một thứ ánh sáng. Người Hi
Lạp đời sau mới bắt đầu tách biệt ánh sáng với tư cách là phương tiện truyền
tải thông tin với cái cơ quan cảm thụ của con người dùng để tiếp nhận nó.
Aristotle gọi mắt là “cái cổng của trí tuệ”, sau khi Alcmaeon vào thế kỉ thứ sáu
trước CN phát hiện ra rằng dây thần kinh thị giác nối mắt với bộ não. Mở đầu
tác phẩm Siêu hình học của mình, Aristotle đã nhận xét về việc chúng ta đánh
giá thị giác cao hơn tất cả các cơ quan khác như thế nào: “Nguyên nhân là cái
giác quan này, hơn tất cả các giác quan khác, đã làm cho chúng ta biết và phát
lộ cho chúng ta thấy các vật khác nhau thế nào”. Từ imagination (“tưởng
tượng”) trong tiếng Anh của chúng ta đã phái sinh từ từ phantasia của tiếng Hi
Lạp, chính từ này lại có nguồn gốc từ từ phatos (“ánh sáng”) bởi vì không thể
nhìn thấy nếu không có ánh sáng.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.