Bỏ qua lời khuyên của Planck, trong gần mười năm, Einstein đã cố liên kết
hai thực thể đó, nhưng không thành công. Bứt rứt, ông tìm đến người bạn từ
thuở niên thiếu là Grossmann, một nhà toán học thông thái. Trong câu chuyện
dài của hai người về chủ đề này, Grossmann kể cho Einstein nghe về một loại
hình học phi Euclid kì cục, sản phẩm trí tuệ của Bernhard Riemann. Như đã
nói ở Chương 8, Riemann là một người trong cái nhóm nhỏ mấy nhà toán học
thế kỉ mười tám đã dám cả gan đặt vấn đề thách thức những giả định của hình
học Euclid. Và chuyện gì phải xảy ra thì đã xảy ra: các công thức của Riemann
vừa như in với những gì Einstein quan niệm về hình dạng của không thời-gian.
Khái niệm trừu tượng, mang tính lí thuyết cao của Riemann về không gian,
được tin là không có ứng dụng gì trong thế giới thực, đâm ra lại rất thực.
Năm 1915, sử dụng các phương trình trường tenxơ của Riemann, Einstein
đã thành công trong việc diễn tả sự liên kết tương hỗ giữa không thời gian và
khối lượng-năng lượng trong lí thuyết mới của ông, thuyết tương đối rộng. Để
nhắc lại, xin nói rằng ánh sáng, hay chính xác hơn là vận tốc của ánh sáng, đã
trở thành một thứ keo Con Voi
kết nối trước hết không gian với thời gian, rồi
sau đó là vật chất và năng lượng (Hình 22,1). Sau khi Einstein đã làm được
việc gắn được bốn góc này của thực tại thành hai cặp, ông bây giờ đã có thể
gắn kết hai cặp này vào thành một mối quan hệ tuyệt vời nhất của ông. Những
gì Einstein đưa vào trong thuyết tương đối rộng của ông và sản phẩm của nó -
sự chết đi của các ngôi sao, không thời gian cong, các lỗ đen - là sự miêu tả
thực tại đẹp đến nhói lòng và có tầm quan trọng hết sức sâu sắc. Nhà văn khoa
học Nigel Calder đã nói: “Nếu bạn chưa cảm thấy đất chuyển dưới chân mình
khi bạn chiêm nghiệm những ý tưởng ấy của ông, thì bạn chắc chắn đã bỏ lỡ
cơn rùng mình của thế kỉ”.