những người Cơ đốc đã phá huỷ các đền thiêng
thờ những vị thần đa thần giáo. Để tô điểm và
khuyếch trương vẻ huy hoàng vô song của Thánh
Peter, họ đã lấy đá từ các cây cột của lăng mộ
Hadrian (ngày nay gọi là Castel Sant'Angelo) và
đối xử theo cách ấy với nhiều tòa kiến trúc khác
mà phế tích của chúng vẫn còn tồn tại đến ngày
nay. Những điều trên được người Cơ đốc thực
hiện không phải do lòng căm thù đối với các
ngành nghệ thuật, mà nhằm làm nhục và hạ bệ
các vị thần đa thần giáo. Tuy nhiên, sự hăng hái
mãnh liệt ấy của họ phải chịu trách nhiệm về
việc đã giáng một đòn chí tử vào hoạt động của
các ngành nghệ thuật, khiến cho chúng khi ấy rơi
vào hỗn loạn hoàn toàn.
Rồi dường như các thảm họa này là còn chưa đủ,
Rome lại chịu thêm cơn thịnh nộ của vua Totila:
các tường thành của thành phố bị phá huỷ, những
tòa nhà thiêng liêng và đẹp nhất của nó bị khói
lửa và gươm đao san thành bình địa. Rome bị đốt
cháy từ đầu này đến đầu kia, trơ lại không một
bóng sinh vật còn sự sống, để mặc cho những
đợt tàn phá của cơn đại hoả tai. Trong mười tám
ngày ròng rã, không một sinh vật nào còn động
đậy. Vua Totila cho kéo sập và phá tan tành các
pho tượng tuyệt vời của thành phố, những bức
họa, các tấm tranh ghép, các bức bích họa. Kết
quả là Rome đã bị mất đi - tôi muốn nói không
những chỉ là vẻ huy hoàng - mà là cả nhân dạng
và chính sự sống của nó... Cuối cùng, không còn
sót lại một vết tích nào dù là nhỏ nhất của một
nền nghệ thuật chân chính”.