một cấp độ tâm linh thật huy hoàng. Cái cấp độ cao hơn ấy đã tái thống nhất
những cá thể riêng biệt trong thế giới Cơ đốc và các mảnh không gian rời rạc
thời Trung cổ lại với nhau thành một sự liên tục không hề có đường nối. Mỗi
một mảnh trong bức tranh ghép là một phần nhỏ, nhưng tập hợp các phần nhỏ
ấy lại tạo nên một tổng thể lớn hơn tổng số học của chúng. Cả bức tranh ghép
lẫn lí luận thần học đều lấy cùng một niềm tin ấy về không gian và cuộc sống
làm tiền đề cho mình. Không gian gián đoạn, không liên tục cũng trở nên đặc
trưng cho các tấm bích họa, các bức tranh và sau này là các cửa sổ kính màu.
Thông điệp tinh tế trong hình thức tranh ghép đã thẩm thấu vào mọi phương
diện của quan niệm về không gian của Cơ đốc giáo thời kì đầu. Hệ thống
phong kiến, đại diện cho những tàn dư rạn nứt của chế độ quan liêu tập quyền
thời Đế chế La Mã, đã tạo ra một bức tranh đố ghép hình của toàn bộ bản đồ
châu Âu. Tiếng Latin bao trùm, trôi chảy và yên lòng người đã vỡ ra thành
hàng ngàn phương ngữ và thổ ngữ. Văn bản chữ Gothic thời kì đầu loằng
ngoằng và khó đọc: một trang chữ trông không khác gì một bức tranh ghép
trên tường, có lẽ để xem hơn là để đọc. Từ “text” (văn bản) trong tiếng Anh bắt
nguồn từ chữ textura của tiếng Teuton, thực sự có nghĩa là “tapestry” (tấm
thảm thêu). Mỗi một chữ cái Gothic trong tấm thảm thêu ấy tương tự như một
miếng thủy tinh lấp lánh của một bức tranh ghép trên tường.
Bản thân các cuốn sách cũng chứa đựng các đoạn viết của nhiều người, nối
tiếp nhau một cách lung tung, không chú ý gì đến tính tác giả. Mỗi một bàn
thảo thời kì đầu này thực sự cũng là một bức tranh ghép các suy nghĩ của nhiều
nhà tư tưởng và bình luận khác nhau. Các họa sĩ vẽ những bức bích họa giai
đoạn đầu, làm việc một cách vô danh, đã không đối xử với không gian theo
một trật tự hình học nhất quán và chặt chẽ. Ngược lại, các nghệ nhân vô danh
này đã dùng không gian để thể hiện một mớ lộn xộn các hình ảnh không liên
quan gì đến nhau nhưng được đan dệt vào nhau trong cùng một tầng biểu
tượng.
Vào lúc khởi đầu, nghệ thuật Cơ đốc giáo cũng đã phản ánh một quan niệm
khác về thời gian. Bằng việc xóa hẳn các quy tắc của tính nhân quả, các lời tiên
tri đã chiến thắng lí trí và chủ nghĩa thần bí đã cùng chia sẻ sân khấu với ngu
muội và mê tín. Vì các nghệ sĩ Cơ đốc thời kì đầu đã từ bỏ các quy tắc nhân
quả tuyến tính - những thứ vô cùng quan trọng đối với hình mẫu Hi Lạp trước