Suy ngẫm kĩ, cuối cùng chỉ có một cái tên vượt lên trên tất cả: Leonardo da
Vinci. Các phát minh và khám phá phong phú của ông trên nhiều lĩnh vực khác
hẳn nhau của khoa học đã bảo đảm cho ông có thể nhận không những một mà
là nhiều đề cử Nobel. Đồng thời, di sản nghệ thuật mà ông để lại đồ sộ đến
mức chắc chắn ông cũng sẽ là một người được giải Nobel trong lĩnh vực này.
Thật lạ lùng là làm sao trong toàn bộ lịch sử thành văn của nền văn minh, lại
chỉ có được mỗi một con người đủ quyền đoạt cả hai giải? Điều này đã nổi lên
những phân chia sâu sắc trong nền văn hóa của chúng ta giữa nghệ thuật và vật
lí, suy ngẫm và tập trung, bán cầu phải và bán cầu trái, không gian và thời
gian, Dionysus và Apollo rằng: chúng ta đã chỉ tạo ra được một ví dụ duy nhất,
không thể phản bác được về sự tích hợp hoàn toàn giữa hai phương diện đối
ngẫu của tính sáng tạo; ở các cấp độ quá hoàn hảo mẫu mực. Tuy nhiên, sự tồn
tại thậm chí chỉ ở một con người như Leonardo cũng đã chỉ ra khả năng và tầm
quan trọng của việc có thể hàn liền cái khe ngăn cách nhân tạo này giữa hai
bán cầu. Bằng cách nào đó, Leonardo đã hòa quyện các quá trình nhìn thấy với
suy ngẫm, và cái kho hình ảnh và tư tưởng nảy sinh từ sự thụ thai chéo này thật
quá dồi dào.
Hẳn là Leonardo đã ra đời với một kiểu bố trí dây thần kinh dị thường như
thế nào đó trong bộ não. Chúng ta đã biết được nhiều điều kinh ngạc về năng
lực trí óc của ông, trong đó đáng ngạc nhiên nhất là ông thuận cả hai tay, và có
thể dễ dàng viết xuôi viết ngược (kiểu như nhìn qua gương). Những đặc tính
này cũng có thể tìm thấy được ở những người mắc chứng khó đọc, một hội
chứng về nhận biết trong đó các chữ cái b và d, p và q thường xuyên bị lẫn với
nhau. Các nhà khoa học thần kinh hiện nay đưa ra lí thuyết cho rằng chứng khó
đọc có thể là do tính trội của não đã bị mất. Với một đứa trẻ mắc chứng khó
đọc, cả hai bán cầu đều có trách nhiệm gần tương đương nhau trong việc hình
thành nên và hiểu được lời nói, ngôn ngữ viết, sử dụng hai tay; chứ không có
kiểu bố trí thông thường là các trung tâm chỉ huy tay nào thuận hơn và điều
khiển ngôn ngữ sẽ nằm ở thuỳ não trội. Rõ ràng là Leonardo đã dùng nó (hiện
tượng tính trội của não bị mất) để di chuyển qua lại giữa hai quá trình xử lí của
não, một có gốc rễ bắt nguồn trong không gian, một có gốc rễ bắt nguồn trong
thời gian. Bằng cách đó, ông đã đạt được một chiều sâu hiểu biết về thế giới
này mà hiếm ai, nếu như có, lại ngang bằng được.