gây ấn tượng với người xem bằng cách tạo ra cho họ cảm giác về không gian
sâu. Nhìn vào tấm gương của Manet như nhìn qua cánh cửa sổ mở ra của vũ
trụ. Phản chiếu trong đó là một đám đông ở xa, hình dạng càng ngày càng loè
nhoè dần sâu vào theo khoảng cách. Tranh cho thấy dường như chẳng có bức
tường giới hạn phía sau ở cái rạp Folies này, thay vào đó là một đường chân
trời bao gồm các hình người lẫn lộn với một không gian lờ mờ bất tận, tạo nên
một cảm giác choáng ngợp về chiều sâu. Một chùm đèn sáng lấp lánh, lơ lửng
trên đầu đám đông, dường như không được treo vào một cái trần nào cả và
nom không khác gì một thiên hà đầy sao. Chùm đèn, kết hợp với các đốm sáng
nhấp nháy và các khối cầu trắng sáng đủ các kích cỡ, rõ ràng cũng không hề
được gắn vào cái trần nào, đã góp phần tạo nên ấn tượng rằng chúng ta, những
người xem, đang không phải là nhìn vào một cái gương nào cả, mà thay vào
đó, là đang chăm chú ngắm lên một bầu trời đêm quang đãng.
Để tăng thêm ảo giác này, Manet đã rút mất tấm thảm dưới chân người quan
sát, bởi không thấy nó ở trên mặt sàn nào cả, trước mặt quầy rượu cũng không.
Với trống rỗng ở phía trên lẫn phía dưới, cái biển người được phản chiếu trong
gương nom như đang lơ lửng trong không gian. Một cặp chân có vẻ như cắt rời
từ một nữ diễn viên nhào lộn trên không đang đong đưa ở góc trên bên trái đã
tăng thêm cảm giác về trạng thái lửng lơ không trọng lượng của bức tranh.
Nhìn quá về phía sau cô phục vụ quầy rượu là nhìn sâu vào cả Vũ trụ.
Nghiên cứu kĩ hơn bức tranh, ta còn thấy để lộ ra một kết cấu khác rất dị
thường. Trong tấm gương, lưng của cô phục vụ lại được phản chiếu chệch về
bên phải, nơi cô gái đang nói chuyện với một ông khách quen. Hơn thế nữa,
nếu nhìn cô gái chếch đi từ phía bên phải, thì ta thấy cô gái cúi nghiêng về phía
trước như thu hút sự chú ý của ông khách, trong khi đó tại cảnh chính phía
trước mặt, cô gái đứng rất thẳng. Tuy vậy, chúng ta đáng ra không thể thấy
được một cách trọn vẹn, không hề vướng víu hình ảnh phía trước đẹp như
tượng của cô phục vụ, nếu như đã có một người khác đứng chắn trước mặt cô
gái. Do ở một góc nhìn, ông ta không có, nhưng sang một góc nhìn khác, ông
ta lại xuất hiện, nên bức tranh như một sự thể hiện kép về quang cảnh ở đó.
Thực sự, đúng là Manet đã vẽ quầy rượu đó ở rạp Folies-Bergère từ hai góc
nhìn khác nhau. Mỗi một quang cảnh chứa những thông tin không thể tìm thấy
được ở quang cảnh kia. Manet đã đưa ra khái niệm về một cảnh được nhìn thấy