tạo ra từ những chữ cái viết tắt, danh từ chung do tên riêng chuyển hóa mà
thành và các thông số lấy từ phòng xét nghiệm. Chúng sẽ không bao giờ có đủ
tiêu chuẩn cho bất kì một giải thưởng văn chương nào. Trong nghề này, lối
diễn tả theo kiểu sáng tạo hoàn toàn không được khuyến khích, bởi vì các ghi
chép hoa mĩ về tiến triển của bệnh có xu hướng dẫn đến rối loạn thông tin –
“Chỉ có các sự thật, thưa quý bà” - nói theo lời của tài tử Jack Webb, đóng vai
trung úy cảnh sát Joe Friday mặt lạnh trong loạt phim điều tra nhiều tập Lưới
quét trên truyền hình.
Tuy nhiên, tôi tin rằng việc kể lại cái năm bị đánh mất trong cuộc đời là một
liệu pháp chữa trị cho tâm hồn mình. Và bởi vì tôi vẫn còn khá lo lắng rằng
mình sẽ có thể sớm chết đi, nên tôi muốn có gì đó để lại cho các con. Chúng sẽ
có một thứ di chúc kiểu nào đó, để hiểu hơn về người cha đã khuất.
Sau khi cuốn sách được xuất bản, tôi bắt đầu nhận được thư từ và các cú
điện thoại của những người cũng đã trải qua những cơn khốn khổ kinh hoàng
như vậy, họ đã cảm động khi đọc chương sách của tôi. Tôi còn biết được rằng
Khoa Xạ trị Bệnh viện Stanford đã sao chụp nó để trao cho tất cả các bệnh
nhân tham gia chương trình chữa trị của họ, và một trường y đã đưa nó vào
danh mục tài liệu bắt buộc đọc của sinh viên năm thứ hai, khi bắt đầu học và
thực hành môn ung thư học. “Ừmm”, tôi thầm nghĩ. Một điều gì đó mà tôi đã
viết ra đã có một tác động đầy ý nghĩa.
Chẳng bao lâu sau, nhà xuất bản liên hệ với tôi và muốn biết liệu tôi có thích
mở rộng chương ấy ra thành hẳn một cuốn sách hay không. Sau khi nghiền
ngẫm sự công nhận bất ngờ này, tôi quyết định rằng không. Tiếp tục viết về cái
giai đoạn tăm tối chứa ngập sự sợ hãi, tuyệt vọng và chịu đựng khắc kỉ ấy là sẽ
phải sống lại nó, mà tôi thì muốn đi tiếp. Nhưng dù sao, l'affair cancer (cái vụ
việc ung thư) này đã thổi bùng niềm tin của tôi về năng lực viết lách của mình.
Trong thời gian dưỡng bệnh, tôi và con gái đầu Kimberly quyết định đi chơi
New York để tham quan các di sản vĩ đại của nền Văn minh phương Tây đang
được trưng bày trong các bảo tàng. Mười hai tuổi, Kimberly đã bộc lộ các năng
khiếu nghệ thuật đang đâm chồi. Và thế là hai cha con tôi lên đường hưởng
một kì nghỉ mang tính văn hóa.
Như tôi đã kể trong “Lời nói đầu” của cuốn sách, chính là trong chuyến đi
này, ý tưởng gốc rễ của Nghệ thuật và Vật lí đã bắt đầu hình thành. Tôi nhận ra