bỏ niềm tin của mình vào học thuyết Copernicus trong một phiên tòa ô nhục ở
Vatican và sống những năm còn lại cuối đời bị quản thúc tại gia. Thật là sự trớ
trêu của số phận, một phần cũng là do nhìn thẳng vào mặt trời quá nhiều qua
kính thiên văn, cái con người từng nghiên cứu ánh sáng của bầu trời khi về già
lại bị mất đi ánh sáng của đôi mắt. Viết cho một người bạn, Galileo than vãn:
“Vũ trụ này, tôi đã mở rộng gấp hàng nghìn lần...
giờ đây thu nhỏ lại trong giới hạn của chính thân
thể tôi. Chúa đã thích như vậy; thì tôi cũng đành
phải thích như vậy”.
Trong thiên sử thi Thiên đường đã mất của mình, John Milton, người cũng
bị mù, đã ngầm nhắc đến Galileo khi ông miêu tả người anh hùng Samson
trong Kinh Thánh là “Người Không Mắt ở Gaza, bên cái Cối Xay Khổng Lồ
với đám nô lệ”. Samson cũng bị những kẻ tra tấn mình chọc cho mù mắt.
Nhưng ngay cả trong cảnh giam cầm và không còn nhìn thấy gì nữa, người anh
hùng ấy cũng kéo đổ sập được các cây cột của ngôi đền, Galileo, dẫu già nua
và mù loà, cũng đã phá huỷ toàn bộ một mẫu hình được dựng trên nền Hòn Đá
Tảng của các Thời Đại.
Được vũ trang bằng minh triết cổ đại và khoa học mới, các nhà Nhân văn
hướng tới tương lai với niềm tin tràn trề. Người nghệ sĩ và nhà vật lí, Giotto và
Galileo, đã đóng vai trò dẫn đầu trong việc đem đến cảm giác làm chủ ấy. Năm
1642, vào chính cái năm Galileo qua đời ở Italia, thì Isaac Newton ra đời ở
nước Anh. Trước khi trình bày câu chuyện về sự đóng góp của con người
khổng lồ này cho vật lí, chúng ta phải xem xét những tầm nhìn của Johannes
Kepler, người đồng thời với Galileo, cùng mối quan hệ của ông với nghệ thuật
của một giai đoạn trước đó.