rồi phóng sinh chúng. Ông trở thành người ăn chay vì ông tin rằng người ta
không nên giết bất kì một sinh vật nào cả.
Nhưng lại có một nghịch lí mà trong đời Newton không hề có một điều nào
tương tự. Leonardo, người nổi tiếng là không làm hại đến cả một con ruồi, lại
đã tỏ ra lãnh đạm đến kì quặc đối với các cỗ máy chiến tranh của ông. Trong
sự nghiệp của mình, Leonardo đã sáng chế ra những thiết bị tàn bạo nhất để
nghiền xé da thịt binh lính địch. Không hề có một thoáng ân hận đạo đức nào,
ông đã vui vẻ nhận làm việc cho Cesare Borgia khét tiếng tàn ác và chỉ rời bỏ
chức vụ kĩ sư quân sự của Borgia khi ông phát hiện ra rằng một cộng sự của
ông, cùng làm việc cho Borgia, đã bị ông chủ của cả hai người xiết cổ đến chết
vì một lí do không biết nào đó.
Có lẽ các nhà sử học đã không ghép cặp được hai thiên tài này bởi vì chúng
ta quen học lịch sử như một bản ghi lại các thành tựu. Di sản của Newton đã
hoàn toàn thay đổi cách mà nền văn minh phương Tây nghĩ về thế giới, còn
Leonardo được gọi là một thiên tài đã không để lại cho hậu thế bất kì cái gì có
thể làm thay đổi cách tư duy của chúng ta. Nhưng kiểu phê phán ấy đã không
thấy được điểm trọng yếu. Dùng chổi lông và bút sắt, Leonardo đã làm thay
đổi cách chúng ta nhìn thế giới, và sự chuyển dịch tinh tế về tâm thế ấy đã
chuẩn bị cho con người chấp nhận được Newton, khi ông đưa ra một cách thức
mới để tư duy về thế giới. Lại một lần nữa sự phát hiện của người nghệ sĩ đã đi
trước khám phá của nhà khoa học. Ở một trong những phát ngôn nổi tiếng của
mình, Newton đã nhắc tới các nhà khoa học tiền bối: “Nếu tôi đã nhìn được xa
hơn những người khác, chính là vì tôi đã đứng trên vai những người khổng lồ”.
Theo truyền thống, những người khổng lồ ấy thường được cho rằng bao gồm
Copernicus, Descartes, Galieo và Kepler. Với nhóm người lừng lẫy này, tôi
muốn thêm cái tên Leonardo.