bộ vũ trụ chỉ bao gồm một chất liệu, với bao
nhiêu biến thể khác nhau”.
Hội họa trong Kỉ nguyên Lí trí thật thà đến phi thường. Phép phối cảnh đã
quy khuôn khổ của nghệ thuật về thành hình học, đến mức các phép đo và các
định lí được nhiều nghệ sĩ tôn vinh hơn là trực giác. Các nghệ sĩ tổ chức không
gian theo kiểu toán học giống như các nhà vật lí, và “chủ nghĩa tân hiện thực” -
thuật ngữ dùng để miêu tả các tác phẩm của Jean Auguste Ingres, Jacques
Louis David và những người khác trong thời kì này - đã khẳng định tính rành
mạch của một thứ không gian vuông thành sắc cạnh và của thứ logic rõ ràng,
chính xác. Trước đó, André Félibien, nhà lí luận của Viện Hàn lâm Nghệ thuật
Pháp, đã tuyên bố: “phép phối cảnh có tầm quan trọng sống còn đến mức
người ta có thể đi đến chỗ nói rằng nó chính là cốt lõi của hội họa..”. Các họa
sĩ đã trình bày chủ nghĩa hiện thực xã hội, một cách ẩn dụ, thành một thông
điệp rõ ràng trong những tác phẩm tân cổ điển. Chủ nghĩa hiện thực xã hội dựa
trên niềm tin tưởng lạc quan rằng nghệ thuật, giống như khoa học, có thể định
hình và làm thay đổi xã hội. Constable, họa sĩ vẽ tranh phong cảnh người Anh
ở thời kì này đã viết: “Hội họa là một khoa học và cần được phát triển như một
cách thức tìm hiểu các quy luật của tự nhiên. Như vậy, tại sao lại không thể
không coi hội họa phong cảnh là một chuyên ngành của triết học tự nhiên,
trong đó các bức tranh chính là các thí nghiệm?”
Chủ nghĩa hiện thực, thiên đình của phép phối cảnh trong nghệ thuật, đã
thống trị, khi mà lí trí cầm cương tư duy. Các khu vườn tại những chốn trang
trọng, chẳng hạn như ở Cung điện Versailles, đã được thiết kế như những lời
tụng ca tôn vinh các định đề Euclid hay thứ toán học chặt chẽ trong cuốn Các
nguyên lí của Newton. Chủ nghĩa hiện thực tân cổ điển và cơ học cổ điển của
Newton đã trở thành hai phương thức duy nhất có thể hiểu được để nhìn và tư
duy, và không một ai dám nghiêm túc thách thức các quy tắc cơ bản của hai hệ
thống giáo luật này.
Chủ nghĩa hiện thực, sự miêu tả các vật thể thực được quan sát theo phép
phối cảnh, và quyết định luận, học thuyết cho rằng mọi kết quả đều có một
nguyên nhân trước đó, đã chia tách tâm thức châu Âu ra khỏi thuyết huyền bí
và trực giác mà mới trước đấy còn đang được duy trì. Như chúng ta đã thấy,
Leonardo và Newton, hai đại diện xuất sắc của nghệ thuật và vật lí, đã bổ sung