cho nhau trên nhiều phương diện, cùng chia sẻ với nhau một niềm kính trọng
sâu xa đối với lí trí và toán học. Trong chương này, hai nhân vật khác sẽ được
đặt cạnh nhau để minh họa cho việc khoa học và nghệ thuật đang bắt đầu rời
xa nhau. Immanuel Kant và William Blake là hình ảnh thu nhỏ của tình trạng
loạn thần, hậu quả của sự phì đại ở mặt duy lí của tâm thức châu Âu. Kant, nhà
triết học đồng thời là nhà phê bình, sử dụng từ ngữ thay các phương trình, đã
cống hiến cho triết học những gì tương tự như Newton đã thành công đối với
khoa học, khi nâng lí trí tới địa vị tương đồng với toán học của Newton. Kant
và Newton đã sáng tạo ra các công cụ cho tư duy phương Tây, làm cho nó khác
biệt với các nền văn hóa khác của thế giới. Ngược lại, William Blake là một
nghệ sĩ kiêm nhà thần bí, bị những người cùng thời với ông bài bác vì đã cố
đánh thức phương Tây khỏi cơn thôi miên do phép phối cảnh tuyến tính tạo ra
trong nghệ thuật và logic quyết định luận tạo ra trong khoa học. Để làm bối
cảnh cho các câu chuyện về họ, cũng nên điểm lại ngắn gọn về triết học và thi
ca châu Âu.
Vào đầu thế kỉ mười sáu, lí trí đã làm triết học hồi tỉnh lại từ trạng thái hấp
hối mà nó rơi vào trong giai đoạn sơ kì và trung kì Trung cổ. Ghen tỵ với tính
chắc chắn của các nhà khoa học, các triết gia đã cố gắng tạo nên một sự tổ
chức tương tự trong lĩnh vực của họ. Tuy nhiên, họ vấp phải một vấn đề đặc
biệt. Trong khi thế giới của Newton chỉ bao gồm năm thành tố cốt lõi là không
gian, thời gian, chuyển động, vật chất và ánh sáng, thì các nhà triết học lại còn
phải vật lộn với một thành tố thứ sáu nữa; một thực thể gọi là trí tuệ. Khi
Newton tuyên bố: “Tôi không dựng nên các giả thuyết”, ông muốn nói rằng
khoa học của ông chỉ xử lí những vấn đề có thể chứng minh được bằng lí trí và
bằng chứng thực nghiệm. Trí tuệ, cái thực thể thực hiện việc suy luận và đánh
giá các bằng chứng, là điều ông không hề quan tâm. Tuy nhiên, các triết gia
hậu Phục hưng lại thấy không thể bỏ qua nó.
Khác với giáo điều tôn giáo, việc diễn giải theo lẽ phải cho phép những
người thực hiện có cái quyền được nghi ngờ, René Descartes (1596-1650) đã
đẩy sự nghi ngờ đến cực điểm logic của nó. Xuất hiện ở thời điểm bản lề khi
bá quyền của Vatican sụp đổ và nền triết học cháu Âu đang trỗi dậy, chàng
thanh niên Descartes bắt đầu nghi ngờ một cách có hệ thống toàn bộ mọi tín
điều của mình. Ông nói: “Để đạt tới Chân lí, ít ra một lần trong đời người, cần