trợ bút nào bỏ tòa soạn, không viết giúp nữa thì độc giả cũng chẳng hay gì
cả”.
Vả lại, mỗi tờ báo thường là mỗi ngày nhận hàng chục bài đủ các
loại, nhiều nhất là thơ và truyện ngắn của các “nhà văn trẻ tuổi” với
những bức thư cực kỳ nhũn nhặn, lễ phép, yêu cầu, năn nỉ xin đăng
bài của mình – nghe nói có “nhà” lại sẵn sàng “đền công ngài chủ
bút” nếu “ngài” chịu đăng giúp – như vậy thì phải là hạng người
“gánh vàng đi đổ sông Ngô” mới bỏ tiền ra mua bài của bạn, nhất là
khi bạn chưa có tên tuổi trên văn đàn.
Ở bên ta, chỉ trong những trường hợp đặc biệt lắm, chẳng hạn sắp
ra số Tết, các nhà báo mới chịu mua thêm bài, song một người mua
thì cả chục người bán, và luôn luôn người ta mua của những cây bút
có danh hoặc của những anh em ký giả. Vậy trăm phần, không có
một phần chắc là bài chúng ta được mua đâu.
Mà nếu được mua thì họ trả chúng ta bao nhiêu? Bạn còn nhớ
không? Tôi xin nhắc lại: mỗi trang ba chục hàng, mỗi hàng trung
bình mười chữ, chúng ta được lãnh khoảng ba chục đồng. Đó là tiểu
thuyết dài. Tiểu thuyết ngắn giá cao hơn và văn nghị luận hạ hơn
một chút. Thơ thì được giá hơn, lẽ cố nhiên, song cũng tùy từng tác
giả mà cao hạ không chừng.
Và chúng ta phải dẹp lòng tự ái đi, để họ muốn sữa chữa, thêm
bớt bài của chúng ta ra sao tùy ý.
Họ nói có lý lắm: Chúng tôi ở trong nghề mới biết được thời nầy
còn nhiều tên “húy” gấp mười hồi xưa, ông viết một câu “phạm
húy” mà không cho chúng tôi sửa thì làm sao tôi dám đăng? Đợi hỏi
ý kiến ông bài sẽ mất tính cách thời sự của nó đi, nhất là mất công
cho chúng tôi phải thư đi thư về. Vả lại, báo viết cho đại chúng đọc,
nếu bài ông có những tiếng cổ, không hợp thời, độc gải không thích
thì báo bán cho ai? Chẳng hạn trong một lịch sử tiểu thuyết thời Lê
ông viết: “Có tiếng trống ở một đồn canh” thì chúng tôi vẫn biết rằng
hai tiếng đồn canh hợp với thời đó, nhưng không hợp với thời nầy,