Người ta bảo tài-hoa thường mệnh bạc; nhưng tôi nghĩ không
phải người ta mệnh bạc vì tài-hoa mà chỉ bởi quá dùng tài của mình
cho nên chết yểu.
Tôi không bạo miệng nói như Proudhon rằng nghề viết văn là
nghề ghê sợ nhất; nhưng nghe John Burroughs bảo nghề đó “làm
cho đầu bạn thì nóng, chân bạn thì lạnh, và sự tiêu-hoá các thức ăn
phải ngưng-trệ”, thì cứ theo sự nhận xét riêng của tôi, tôi thấy
Burroughs không nói ngoa: hai bạn văn thân của tôi đều đau gan,
còn tôi sáu năm nay bị bệnh đau bao-tử.
Romain Rolland, tác-giả bộ tiểu-thuyết trường-giang Jean
Christophe, viết thư cho bạn là Louis Gillet:
“… mỗi một cuốn trong bộ Christophe làm cho tóc tôi bạc đi nhiều (nói
cho đúng thì làm tôi mất đi nhiều tóc); tất cả những cuộc khủng-hoảng của
nhân-vật của tôi làm cho tôi điên-đảo cũng như người trong truyện, mà có
phần hơn nữa, vì thể-chất tôi không mạnh bằng!”
Tchékov mượn lời một nhân-vật trong một truyện ngắn để tả nỗi
đau khổ trong công-việc sáng-tác:
“Ngày đêm, một tư-tưởng theo đuổi tôi, thu hết tâm-lực tôi: phải viết,
phải viết, cần phải viết. Vì viết xong một truyện, tôi lại thấy cần phải viết
một truyện khác rồi. Tôi không hiểu vì sao, nhưng tôi viết không ngừng
như người phu trạm chạy, và tôi không thể làm khác được (…) Đây này,
tôi đứng trước mặt ông, tôi băn-khoăn, trằn trọc và lúc nào tôi cũng nhớ
rằng có một cái tiểu-thuyết đang chờ đợi tôi. Tôi nhìn thấy một đám mây
trông giống hệt một chiếc dương-cầm và tôi nghĩ rằng phải ghi lại rằng có
một đám mây trắng giống như chiếc dương-cầm. Lá kia ngửi như mùi hoa
hướng-dương và lập tức, tôi nghĩ ngay đến hoa hướng-dương mùi lạt-
lạt…” “Nhớ lấy để dùng vào một đoạn tả cảnh mùa hạ”. Tôi rình ông và
rình cả tôi nữa, rình từng câu, từng chữ; tôi vội ghi vào trong ký-ức tất cả
những câu đó, chữ đó, có lẽ một ngày kia tôi sẽ đem ra dùng. Và khi nào
công-việc xong rồi, tôi phải nghỉ-ngơi, quên đi; nhưng ở trong đầu tôi quay
lông-lốc một hòn gang, một đề-tài truyện mới, và tôi lại nhẩy sổ đến bàn