Đời một đào hát, khi về già, chua xót ra sao thì đời một nhà văn
khi bị độc giả quên tên cũng não nuột như vậy. Đó là số phận chung
của nghệ sĩ.
Mà trong các nghệ thuật, văn nghệ có phần bạc bẽo nhất. Tại các
nước văn học rất thịnh, độc giả rất đông như nước Pháp, mỗi thời
chỉ được dăm ba nhà văn nhờ cây viết mà phong lưu như Voltaire,
Victor Hugo, Anatole France…, còn phần đông thì đủ ăn là may. Ở
nước nhà, tình cảnh nhà văn tất nhiên còn hắc ám hơn nhiều. Nam
Cao sống với một mảnh vườn trầu không; Trần Huyền Trân chui rúc
trong một túp lều trên mặt hồ, ngày viết văn, tối đi chiếu phim cho
một hãng hát bóng, Thâm Tâm phải đóng sách cho nhà Tân Dân để
kiếm thêm tiền độ nhật; Thứ Khanh gia đình năm sáu người chen
chúc nhau trong một chiếc ghe dài ba thước và có hồi lại phải ngủ
nhờ ở vỉa hè; còn Vũ Trọng Phụng thì thốt một câu chua xót: “Người
ta mà được ăn cơm thì sướng thật!”
Cơm không đủ ăn, nhà không đủ ở, áo không đủ mặc mà đau
lòng nhất là có khi bị chính cha mẹ, vợ con, anh em khinh bỉ nữa.
Vì nghề bạc bẽo, nên đâu-đâu vào thời nào cũng thấy nổi lên
những lời ta oán nó. Thi-nhân chịu nhiều nỗi đau khổ hơn cả, tỏ
giọng uất hận nhất. Như Baudelaire nghiến răng nguyền rủa Trời đã
sinh ông làm thi sĩ. J.Leiba muốn khiếp sau được làm tên kéo xe.
Còn Hoàng Cảnh Nhân suốt đời cùng khốn, gần như cuồng, ngâm
trong một đêm trừ tịch:
Nhữ bối hà tri ngô tự hối,
Uổng phao tâm sự tác thi nhân,
(Bọn trẻ biết đâu ta tự hối,
Uổng đem tâm trí để làm thơ)
Thi sĩ Paul Scarron nhắc lại nỗi khổ của mình trong những vần
dưới đây mà ông bảo người thân khắc lên mộ-chí cho ông.
Celui qui y maintenant dort