Còn về loại khảo cứu thì tôi chưa thấy nhà văn nào ở nước mình
mà chuyên sống về loại ấy. Nó thuộc loại khó bán, mỗi năm toàn
quốc xuất bản độ hai chục cuốn – kể cả những cuốn tái bản – trong
số đó chỉ vài ba cuốn in ba ngàn bản, còn thường là hai ngàn, có khi
chỉ ngàn rưởi mà bán cũng lây lất năm nầy qua năm khác. Sách loại
ấy viết càng cao, bán càng khó mà những nhà văn đứng đắn bao giờ
cũng muốn viết mỗi ngày một cao hơn, bởi vậy nhiều nhà đã phải
gác bút, nếu không sẵn một nghề khác để nuôi nghề viết văn
.
Một vài nhà soạn Tự điển và sách giáo khoa, gặp thời thu được
khá nhiều, nhưng sự thành công của họ chỉ nhất thời mà sự cạnh
tranh thì kịch liệt và đã có người phải xoay qua công việc khác rồi.
Rốt cuộc, hiện nay chỉ có hạng ký giả nhà nghề là dễ sống hơn
hết. Tôi không kể những ông chủ báo, bỏ tiền ra in báo, mà cả năm
không viết một câu, họ có thể kiếm mỗi tháng hàng trăm ngàn đồng,
nhưng họ không phải là nhà văn. Các ông chủ bút làm công thường
lãnh lương khá cao, từ sáu ngàn đến mười ngàn đồng, chẳng qua
cũng chỉ bằng lương một công chức hạng trung làm lâu năm và
đông con, mà công việc các ông ấy nặng nhọc vô cùng, gấp năm gấp
mười công việc một ông tham tá.
Dưới một bực là những người dịch tin thế giới, viết điều tra, tiểu
thuyết hoặc đảm nhận những phụ trương (văn chương, học sinh,
phụ nữ, thể thao…) Những người này phải viết mỗi ngày khoảng
bốn năm trang giấy đánh máy, suốt tháng suốt năm, khi mạnh cũng
như khi đau, lúc vợ đẻ cũng như lúc con sài, thậm chí chính họ đau
mà cũng không dám nghỉ
. Mà lương của họ được bao nhiêu? Cao
lắm thì năm, sáu ngàn mà thấp nhất hai ngàn!
Đó, tình cảnh các nhà văn ở nước ta hiện nay là như vậy.
*
Tình cảnh ấy một phần lớn do ở trình độ quốc dân. Trong nước
chỉ có khoảng hai chục triệu người, lúc nầy chia làm hai khu vực, mà
tám chục phần trăm mù chữ, còn lại bao nhiêu thì hoặc vì nghèo,