út đại loại như vầy: “Nghề viết văn lúc này không nuôi nổi ai đâu.
Bỏ đi làm nghề khác khỏe hơn.”
Tôi nhận thấy rằng hạng đại ca hợm hĩnh đó ít khi là người có
thực tài, thực học và những nhà văn chân chính, có tâm huyết thì
luôn luôn giản dị, thực thà và nhã nhặn, đối với ai cũng một niềm
thân mật và vui vẻ.
Nghề cầm viết có nhiều cái lụy, nhưng ít nhất cũng an ủi ta được
đôi phần, nhờ nó mà có khi ta tìm được những bạn đồng thanh đồng
khí ở bốn phương trời. Gặp được những bạn ấy thì đức bạn cao lên,
tài bạn tiến lên, tri thức bạn mở mang ra. Nhưng chỉ những âm hồn
đẹp mới được lãnh phần thưởng ấy.
*
Nói đến làng văn, ta không thể quên một hạng tự xưng là văn
nhân mà chuyên bịp người khác để làm tiền. Họ là bọn du thủ du
thực, có hồi đã viết lăng nhăng ít bài đăng trên báo và kết bạn với
nhiều ký giả. Họ kiếm những người có tiền mà ham cái danh chủ
báo, đề nghị lập một tuần báo đưa ra một chương trình đánh máy
đàng hoàng, nghiên cứu tỉ mỉ từ chủ trương của tờ báo, tới cách
trình bày, tên các mục, tên các cây bút sẽ cộng tác.
Họ thuyết rất khéo, vạch rõ những lợi vật chất lẫn tinh thần của
công việc “phụng sự văn-hóa” đó ; ai nghe mà không ham, và xá gì
vài chục ngàn đồng mà không bỏ ra để được thấy tên mình đăng
ngay dưới tên tờ báo? Nhận được số vốn, họ chạy đi gom góp ngay
một bộ biên tập, yêu cầu những nhà văn hơi có tên tuổi giúp họ, như
vậy để họ có thể đăng tên những nhà đó trên tờ quảng cáo. Những
nhà ấy nếu mắc mưu họ, chịu gởi bài đăng thì càng tốt, họ sẽ lần
khân, không trả tiền nhuận bút mà nếu chẳng viết giúp họ thì cũng
không sao, họ sẽ kiếm những bài bậy bạ đăng cho đủ trang, rồi họ sẽ
kê khai những phí tổn cho người bỏ vốn trả, lạ gì tiêu một thì họ
khai ba, ai mà kiểm soát được? Báo tất nhiên bán ế, nhưng họ cần gì
đâu, vì họ đã ăn bớt được một số tiền lớn để chi tiêu rồi: chỉ đáng