Vậy theo hai ông, thời-gian tập viết là từ năm đến mười năm.
Muốn hiểu và nhớ kỹ-thuật viết, chỉ sáu tháng hay một năm là đủ;
áp dụng cho quen cần tốn công hơn; tốn công nhất là phải tự học để
mở-mang trí-thức và tu luyện nhân-phẩm.
Bạn chuyên làm thơ ư? Ít nhất bạn cũng phải đọc những tác phẩm
chính của các thi-sĩ có danh của nước nhà, của Trung Hoa, hoặc của
Pháp, biết quan-niệm của họ, đời sống của họ và những lời người
khác phê bình họ. Nếu có thể được, bạn cũng nên hiểu qua thơ Anh,
Nga, Đức, Mỹ, Nhật… Càng biết nhiều càng lợi, hứng càng dồi dào,
ý càng phong phú, lời càng điêu luyện. Thực đáng tiếc, hầu hết các
nhà thơ Việt-Nam đều không chịu học thêm, nhiều người chỉ biết độ
trăm bài thơ Việt, vài chục bài thơ dịch của Trung Quốc, và ba bốn
chục bài thơ Pháp: như vậy trách chi sự sáng tác của họ chẳng nghèo
nàn về mọi phương diện?
Và bạn cũng phải tìm hiểu các loại văn khác, chứ không lẽ vì chỉ
làm thơ mà không cần biết kỹ-thuật viết tiểu-thuyết, kịch,…
Còn nếu bạn muốn viết nghị luận và phê bình thì tôi có thể nói
bất kỳ một tri thức gì của loài người cũng lợi cho nghề của bạn.
Nhãn quang có rộng thì tư tưởng mới cao và văn mới có chân giá trị.
Vậy đã là văn-nhân thì phải tự học, học suốt đời, học trong sách
vở và trong vũ trụ, nghĩa là sống và luôn luôn nhận xét.
*
Nhân-cách còn quan trọng hơn tri thức và kỹ-thuật,
Văn minh phương Đông chúng ta có đặc-điểm là không bao giờ
tách rời trí dục và đức dục; khoa học luôn luôn bị coi là phụ thuộc
cho luân lý; chẳng riêng trong sách thuốc mà ngay trong những sách
số bói, phong thủy, ta cũng thấy đầy những lời khuyên học sinh phải
tu nhân, tích đức, nhất thiết không được dùng sự hiểu biết của mình
vào việc ác. Các nhà nho chân chính bao giờ cũng lựa học sinh rất
kỹ, chỉ truyền bí thuật cho những môn đồ thông minh và có hạnh để
họ khỏi hoặc vô tình hoặc cố ý làm hại nhân loại.