Nhưng nhận xét nhiều khi không đủ; có những việc xẩy ra thời
trước hoặc ở xa, làm sao nhận xét được? Phải đọc sách. Đọc sách còn
hai cái lợi nữa: ý của người khác làm nẩy ra những ý mới trong đầu
ta, và nhờ đọc sách mà đỡ mất công kiếm lại những điều người
trước đã thấy.
Flaubert nói phải đọc ba trăm cuốn mới viết được một cuốn. Ai
mà theo ông được? Ta chỉ cần nhớ rằng càng đọc nhiều càng quý.
Tuy nhiên, trước hết phải giới hạn vấn đề cho rõ ràng để khỏi lạc
trong cái rừng sách.
Ta nên biết, dù nghiên cứu suốt đời cũng không sao kiếm đủ hết
những tài liệu, cổ, kim, đông, tây về một vấn đề. Vậy kiếm được
những sách nào, hãy đọc những sách đó và một khi đọc hết rồi thì có
thể viết ngay. Tôi còn muốn khuyên bạn phải viết ngay nữa: nếu
chương nào còn thiếu tài liệu thì cứ bỏ trắng, sau sẽ thêm, chứ để
lâu, bạn sẽ không thấy ham viết và khi viết phải nghiên cứu lại từ
đầu. Vả lại có như thế, sách đã viết gần xong, chỉ còn thiếu ít
chương, bạn mới thấy cần tìm thêm tài liệu để viết nốt.
Đọc sách để tìm tài liệu là những lúc vui nhất trong công việc của
nhà văn; vui có phần không kém cái vui “xuân nhật tầm phương”
của một thanh niên. Ta được tự do dạo ngắm khu rừng mênh mông
của văn chương, ngừng đây một chút, hái bông hoa nầy, nghỉ kia
một lát, nhìn dòng suối nọ.
Augustin Thierry đã tả nỗi vui của ông khi ông cặm cụi trên
những cuốn sách của Thư viện quốc gia Pháp.
“Trong khi lòng như say mê, tay ghi chép hoặc lật những trang sách, tôi
không biết chút gì về những việc xảy ra ở chung quanh. Bàn tôi ngồi lần
lần chật người rồi thưa người, nhân viên thư viện hoặc những người tò
mò, đi đi lại lại trong phòng mà tôi chẳng nghe thấy gì cả, chẳng trông thấy
gì cả; tôi chỉ thấy hiện lên những cảnh và người mà sách đã gợi lên trong
đầu óc”.